Rau quả và dầu thô

10:11, 29/11/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Có một thông tin chính thức rất đáng cho chúng ta suy nghĩ: “Giá trị xuất khẩu rau quả 10 tháng năm 2018 ước đạt 3,3 tỷ đô la Mỹ và Trung Quốc vẫn đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam.

Trong 9 tháng năm 2018, xuất khẩu rau quả chỉ tính riêng thị trường Trung Quốc đã đạt đến 2,2 tỷ đô la, vượt xa giá trị xuất khẩu của dầu thô - một trong những mặt hàng từng mang về giá trị lớn cho Việt Nam. Trong 9 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu của dầu thô chỉ có 1,7 tỷ đô la Mỹ, thấp hơn 500 triệu đô la so với rau quả”. Rau quả xuất khẩu đã lập kỳ tích. Nhờ đâu có được như vậy?

Theo chuyên gia, đầu tiên là nhờ Việt Nam... giảm sản lượng lúa gạo, không đặt nặng phải sản xuất lúa gạo nhiều như trước. Người nông dân được khuyến khích chuyển sang sản xuất những mặt hàng mà thị trường quốc tế đang cần, như rau quả. Tuy nhiên, vì sao xuất khẩu rau quả đạt kỳ tích như vậy, mà năm nào cũng có những nơi kêu nhờ “giải cứu nông sản”?

Cũng các chuyên gia cho rằng, “một trong những điểm yếu của ngành nông nghiệp là thiếu thông tin, khiến nông dân không biết cách nào để sản xuất cho đúng nhu cầu thị trường. Phần đông nông dân cứ làm theo kiểu nếu vụ trước bán được thì vụ sau tăng quy mô sản xuất. Đến khi cung vượt quá cầu, giá giảm thì yêu cầu giải cứu”.

Cũng có ý kiến cho rằng, việc có hiện tượng “giải cứu nông sản” hằng năm như thế chứng tỏ ngành nông nghiệp đang phát triển, nhưng vấn đề phát triển phải đi đôi với điều tiết. Nếu không có thông tin, không có những “hạn ngạch điều tiết”, cứ để nông dân sản xuất tự do trong tình trạng mù mờ thông tin, thì chuyện “được mùa rớt giá” còn xảy ra dài dài.

Với Quảng Ngãi, mặt hàng dưa hấu là tiêu biểu nhất cho chuyện không có điều tiết trong sản xuất, cứ vụ trước bán được thì vụ sau tăng sản lượng, trong khi thị trường bị bó hẹp, chủ yếu chỉ trong thị trường Trung Quốc. Một khi, thị trường “dễ tính” này siết lại, không còn dễ tính như trước, thì người sản xuất Việt Nam bị thua lỗ.

 Vai trò điều tiết trong sản xuất nông nghiệp không thuộc về người nông dân, mà thuộc về những cơ quan chủ quản của sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng từ nhiều năm nay, vai trò điều tiết này không thấy xuất hiện ở những cơ quan chủ quản.

Bất cứ mặt hàng nào, cứ sản xuất dư thừa, thì chắc chắn phải rớt giá, thậm chí không tiêu thụ được. Việc chỉ xuất khẩu chủ yếu qua thị trường Trung Quốc dẫu mang lại lợi ích trước mắt, nhưng sẽ gặp khó khăn về lâu dài, nếu mặt hàng rau quả Việt Nam không được nâng cấp để đạt chuẩn xuất khẩu quốc tế.

Một khi, hàng rau quả Thái Lan đã “mượn đường” qua trung gian Việt Nam để xuất khẩu sang Trung Quốc, thì sự cạnh tranh về chất lượng phải xảy ra. Việc tìm kiếm, mở rộng thị trường là việc lớn phải làm, nhưng việc phải nâng cấp chất lượng rau quả xuất khẩu còn bức xúc hơn. Một khi các Hiệp định thương mại quốc tế lớn mà Việt Nam tham gia có hiệu lực, sự cạnh tranh sản phẩm rau quả xuất khẩu sẽ xảy ra ngay trên sân nhà Việt Nam.

Những doanh nghiệp quốc tế sẽ đầu tư FDI vào Việt Nam trên lĩnh vực thu hút lợi nhuận cao này và họ có đủ khả năng, điều kiện để nâng cấp chất lượng sản phẩm rau quả đạt tầm xuất khẩu vào những thị trường quốc tế khó tính nhất. Lúc bấy giờ, nông dân của chúng ta sẽ làm gì, nếu không trở thành những “công nhân nông nghiệp” làm thuê cho những doanh nghiệp FDI? Vòng lẩn quẩn sẽ trở lại và người Việt chúng ta lại tiếp tục làm “gia công” ngay chính trên mảnh đất của mình.

Xuất khẩu dầu thô đã khó khăn, thì xuất khẩu rau quả cũng sẽ gặp khó khăn tương tự khi Nhà nước không giúp được nông dân nâng cấp chính những sản phẩm xuất khẩu của mình. Xuất khẩu dưa hấu như lâu nay cũng là một kiểu “xuất thô” đấy!        

 THANH THẢO
 


.