Báo chí đồng hành với phòng, chống tham nhũng

09:11, 22/11/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Với 93,2% đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2019.

TIN LIÊN QUAN


Đáng chú ý, tại điều 75, Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) quy định: Cơ quan báo chí, nhà báo có trách nhiệm đấu tranh chống tham nhũng, đưa tin về hoạt động phòng, chống tham nhũng (PCTN) và vụ việc tham nhũng. Cơ quan báo chí, nhà báo có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền cung cấp thông tin liên quan đến hành vi tham nhũng.

 

Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật về báo chí và quy định khác của pháp luật có liên quan. Cơ quan báo chí, nhà báo có trách nhiệm phản ánh khách quan, trung thực và chấp hành các quy định khác của pháp luật về báo chí... Với quy định này, báo chí sẽ tiếp tục đồng hành và giữ vai trò quan trọng trong công tác PCTN.

Từ sau Đại hội Đảng lần thứ XII đến nay, cuộc đấu tranh PCTN, lãng phí đã được Đảng ta triển khai quyết liệt và đã đạt được những kết quả tích cực. Qua đó, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Trong cuộc đấu tranh đó, báo chí luôn là lực lượng tiên phong, vào cuộc mạnh mẽ.

Theo thống kê, hơn 70% vụ việc tiêu cực, tham nhũng, lãng phí là do báo chí phát hiện. Rất nhiều vụ tiêu cực, tham nhũng lớn được các cơ quan báo chí đăng tải, như vụ Trịnh Xuân Thanh, vụ Vinashin, vụ PMU 18... Nhờ đó, cơ quan chức năng có căn cứ để điều tra, thẩm tra, xác minh, xử lý nghiêm minh. Có thể nói, báo chí chính là lực lượng tiếp sức cho cuộc đấu tranh PCTN trong toàn Đảng, toàn dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thì báo chí vẫn còn những hạn chế, thiếu sót trong PCTN. Đó là: Một số cơ quan báo chí còn thông tin thiếu chính xác, thiếu khách quan; một số vụ việc không được theo đuổi đến cùng; có những nhà báo lợi dụng nghề nghiệp, tuy mang danh đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, nhưng lại theo đuổi mục đích không trong sáng...

Đấu tranh PCTN luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Đây là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Với báo chí, cuộc đấu tranh PCTN cần được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Hơn bao giờ hết, báo chí cần phát huy hơn nữa vai trò và trách nhiệm của mình; đề cao trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ những người làm báo trong việc phát hiện, đấu tranh PCTN.

Trong cuộc đấu tranh đầy cam go này, báo chí rất cần sự đồng hành, hỗ trợ nhiều hơn nữa của hệ thống bảo vệ pháp luật, của các cấp uỷ đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân. Điều quan trọng là cần có một cơ chế cung cấp thông tin minh bạch, trách nhiệm, hợp lý cho các cơ quan báo chí và nhất là phải tạo hành lang pháp lý an toàn cho những người làm báo trong quá trình tham gia PCTN.


HOÀNG TRIỀU
 


.