Doanh nhân và trách nhiệm xã hội

02:10, 11/10/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau hơn 30 năm đổi mới, nước ta đã đạt được những thành tựu rất quan trọng về kinh tế - xã hội. Từ một nền kinh tế lạc hậu, quan liêu bao cấp, Việt Nam đã bước sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tốc độ tăng trưởng kinh tế dẫn đầu trong khối ASEAN. Kết quả đó có sự đóng góp rất lớn của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam.

Đáng mừng là, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã không ngừng phát triển, trở thành một lực lượng quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Trong định hướng phát triển, Đảng và Nhà nước ta đề ra mục tiêu  phấn đấu đến năm 2020 là xây dựng tầng lớp doanh nhân lớn mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng, có tinh thần dân tộc và khát vọng kinh doanh. Đồng thời, doanh nhân Việt Nam là một chủ thể của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, là lực lượng xung kích thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Trong thời kỳ đổi mới, doanh nhân là lực lượng chủ yếu trong việc huy động các nguồn lực sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội, giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nhân làm ăn chân chính, thì vẫn còn không ít doanh nhân, doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của pháp luật để làm ăn phi pháp, dẫn đến vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức kinh doanh; tình trạng doanh nghiệp lừa đảo, gian lận, buôn lậu, trốn thuế, làm hàng giả... gây hậu quả xấu cho người tiêu dùng và xã hội vẫn còn. Một số doanh nghiệp, doanh nhân thiếu trách nhiệm với người lao động, như nợ các khoản bảo hiểm, không chú ý đến an toàn lao động, đời sống vật chất và tinh thần của người lao động, không quan tâm đến lợi ích của cộng đồng. Nhiều doanh nghiệp cố tình khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, gây tổn hại đến môi trường...

Hiện nay, có rất nhiều doanh nhân Việt Nam thành đạt và được thế giới vinh danh, nhưng sự ảnh hưởng của họ đối với sự phát triển của nền kinh tế đất nước chưa nhiều, còn thiếu những chương trình an sinh xã hội thiết thực hướng đến  vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Vì vậy, doanh nhân, doanh nghiệp muốn phát triển doanh nghiệp bền vững, bên cạnh lợi nhuận – yếu tố sống còn của doanh nghiệp, còn phải nêu cao chuẩn mực về bảo vệ môi trường thiên nhiên, môi trường lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo, nhất là thực hiện hiệu quả công tác an sinh xã hội. Đó cũng là bổn phận của doanh nghiệp, doanh nhân đối với cộng đồng và xã hội.


TRẦN PHƯƠNG
 


.