Ấm ức sách giáo khoa

10:10, 07/10/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tôi chính thức qua thời đi học đã ngót 50 năm rồi, cũng từng ấy năm tôi không còn dính dáng gì tới sách giáo khoa nữa, thì cớ gì mà “ấm ức”? Kể cả các con tôi cũng đã thôi học từ lâu, thì còn ấm ức nỗi gì? Nhưng mà có đấy.

TIN LIÊN QUAN

Bởi đã gọi “sách giáo khoa” là hàm ý phân biệt với tất cả các loại sách khác. Đây không chỉ là sách dạy kiến thức, mà còn dạy làm người. Đây không chỉ là sách dành cho con em mình, mà còn dành cho con em nhân dân, cho toàn xã hội. Đó phải là loại sách mẫu mực nhất, không chỉ từ nội dung, mà còn từ cách sử dụng, cách đưa sách đến với học sinh, cách làm cho không chỉ học sinh mà mọi người trong xã hội thực sự tôn trọng loại sách này, tin tưởng vào nó, cảm thấy an tâm khi con cháu mình có nó để học.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9.2018 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ rõ: Có độc quyền của Nhà Xuất bản Giáo dục trong xuất bản sách giáo khoa; nhiều trường bằng cách này hay cách khác "ép" học sinh, phụ huynh mua sách tham khảo để hưởng hoa hồng.

Sách giáo khoa đâu phải món hàng sinh lợi, nhưng trong thực tế, từ nhiều năm nay, nó đã trở thành món hàng sinh lợi, lợi lớn, cho Nhà Xuất bản Giáo dục và những nhóm nào đó, mà người ta gọi là “nhóm lợi ích”. Một khi con đường phát hành sách giáo khoa trở thành “con đường tơ lụa” theo kiểu làm ăn, kiếm ăn, khi hàng năm phụ huynh phải bỏ ra cả nghìn tỷ đồng để mua sách giáo khoa cho con cháu mình, dùng một năm rồi... bỏ. Túi tiền của phụ huynh không phải là vô tận, trong đó số lượng phụ huynh nghèo hoặc chỉ trên mức nghèo còn rất lớn, vậy thì nỡ lòng nào bắt họ hằng năm phải đều đặn mua sách giáo khoa mới cho con cháu, chưa kể phải “mua kèm” sách tham khảo theo kiểu “bia kèm lược chải đầu” thời bao cấp.

Nhìn những cặp sách nặng trĩu của các cháu nhỏ cấp 1 đeo tới trường, thật không thể cầm lòng. Chưa biết kiến thức có trong đó nặng bao nhiêu, nhưng tiền bạc cha mẹ, ông bà bỏ ra thì không hề nhẹ. Vậy mà, chỉ sau một năm học, đứa em chưa kịp cầm sách giáo khoa của anh của chị thì những sách này đã “quá đát” theo kiểu “không thể sử dụng lại” và cha mẹ chúng phải mua sách mới cho chúng, lại vẫn “com-lê” sách giáo khoa+ sách tham khảo, vậy mà có khi cũng không có để mà mua, như ở đầu năm học 2018 này.

Rất nhiều đại biểu Quốc hội đã phản ứng gay gắt về tình trạng độc quyền và cách in và bán sách giáo khoa hàng năm cho học sinh. Nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị Chính phủ phải thanh tra toàn diện vụ việc này, vì nó ảnh hưởng tiêu cực đến toàn xã hội. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh trong phát biểu trước phiên họp Chính phủ:"Các ý kiến phát biểu, chất vấn của một số đại biểu Quốc hội về vấn đề sách giáo khoa trong một số phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội gần đây là xác đáng. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cần có văn bản báo cáo, giải trình rõ".

Báo cáo hay giải trình chỉ là việc đầu tiên Bộ GD&ĐT bắt buộc phải làm. Nhưng nếu Chính phủ không tổ chức thanh tra toàn diện để có những kết luận xác đáng, thì cái sự ấm ức trong lòng nhân dân về chuyện sách giáo khoa vẫn chưa thể giải tỏa.


THANH THẢO
 


.