35 tuổi đã về hưu?

09:08, 04/08/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Rất nhiều công ty, xí nghiệp ở các tỉnh phía Nam từ chối tuyển dụng công nhân có độ tuổi từ 35 trở lên, với lý do “hiểu ngầm” là họ “đã già”, không còn sức làm việc. Một thông tin rất đau lòng là trung bình độ tuổi làm việc của công nhân chỉ là 6-7 năm. Với số năm làm việc ít ỏi đó, dù có đóng BHXH, công nhân cũng không được hưởng chế độ về hưu. Khi mất việc, cao nhất chỉ được đền bù 3 tháng lương là... hết.

Nhiều công nhân khi 35 tuổi đã có hàng chục năm làm việc, có kỹ năng, có kinh nghiệm, nhưng vẫn bị doanh nghiệp tìm cách sa thải vì “lý do ngầm” là đã già. Ở tuổi 35, đó là độ tuổi chín nhất của một người lao động có kỹ năng, có thể đóng góp nhiều nhất cho hiệu quả lao động, nhưng vẫn bị từ chối làm việc, chỉ với lý do rất vô lý là đã già.

Khi các doanh nghiệp tự đặt ra “luật lao động” để thu nhận hay sa thải công nhân, thì tổ chức công đoàn ở các doanh nghiệp ấy có tiếng nói gì không? Câu trả lời là không.

Nhà nước đã có Bộ luật Lao động, ghi rõ ràng độ tuổi còn lao động của công nhân, viên chức, người lao động. Nhưng các doanh nghiệp vẫn âm thầm thực thi “bộ luật” bất thành văn do chính họ đặt ra. Đó là điều rất không bình thường mà các cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ. Vì sao như vậy?

Câu trả lời, thực ra thì ai cũng biết. Các doanh nghiệp luôn muốn “thay máu” lực lượng lao động, phần vì người trẻ tuổi thì sức lực còn dồi dào, làm việc tăng ca đều tốt, phần vì họ mới có việc, mức lương khá khiêm tốn, nhưng họ dễ chấp nhận do chỉ mong có việc làm. Trong khi những công nhân từ 35 tuổi trở lên tuy sức lực làm việc chưa suy giảm, nhưng do đã làm việc có thâm niên, mức lương lại cao hơn người mới làm việc, nên giữ họ thì tổng quỹ lương phải tăng hơn. Không những thế, họ là những người có kinh nghiệm, lại từng trải, nên không dễ chấp nhận những “lề luật” vô lý do doanh nghiệp tự đặt ra. Bấy nhiêu lý do khiến họ dù có kinh nghiệm, có kỹ năng lao động, tuổi chưa cao, nhưng lại khó trụ lại ở nhà máy.

Những bài toán kinh tế đơn thuần, nhưng thiếu tình người lại được tính vào đời sống người công nhân, số phận của họ và gia đình họ, tương lai của họ, là những bài toán không thể có lời giải thỏa đáng. Công nhân Việt Nam hiện vẫn là tầng lớp chịu nhiều thua thiệt, nhiều khó khăn vất vả nhất, kể cả so với nông dân. Vì thế, Nhà nước cần có những biện pháp bảo vệ họ dựa vào chính pháp luật, nhất là Bộ luật Lao động. Bởi đó là tầng lớp dễ bị tổn thương nhất và ít được bảo vệ nhất. Thêm một điều nữa, là các tổ chức công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp, nếu có, cũng rất khó hoạt động hiệu quả trong việc bảo vệ quyền lợi người lao động. Lý do vì sao thì ai cũng biết.

Những người công nhân công nghiệp có độ tuổi từ 35 trở lên còn sức lao động chỉ mong được có việc làm, mong không bị sa thải một cách vô cớ mà “lý do ngầm” chỉ là độ tuổi của họ.      

 
THANH THẢO
 


.