Nỗi đau giáo dục

10:07, 30/07/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cái lớn nhất mà một nền giáo dục có thể giáo dục cho các thế hệ học sinh là trao cho các em niềm tin vào cuộc sống, tin vào tương lai, tin vào thầy cô, tin vào bản thân mình, trước cả khi trao kiến thức.

TIN LIÊN QUAN


Vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang bị phát hiện chỉ là chuyện cái u cái nhọt lâu ngày xì ra, không phải chuyện mới xảy ra hay chỉ xảy ra một lần. Đó là hành động nền giáo dục “tự bắn vào chân mình”, những hậu quả khó lường đã và sẽ xảy ra cho chính nền giáo dục. Phải nhìn như thế mới thấy đây không phải chuyện “lẻ tẻ” hay “không thuộc về bản chất”. Bản chất nào cũng được tạo nên từ vô vàn những hiện tượng và được thể hiện ra bằng chính những hiện tượng.

Chúng ta đang xây dựng một Chính phủ kiến tạo và liêm chính, trong khi nền giáo dục của chúng ta lại đang làm mất đi niềm tin vào sự kiến tạo và liêm chính đó. Tôi đã hơn một lần viết những bài báo kêu gọi Bộ GD&ĐT cần bãi bỏ hẳn kỳ thi tốt nghiệp THPT, một kỳ thi tốn rất nhiều tiền, nhưng lại có rất ít hiệu quả, khi mà tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT sau những kỳ thi ấy đều vượt quá 90%.

Nếu như thế, sao không xét tốt nghiệp cho học sinh, từng trường, từng lớp đều có thể làm việc này, và cho dù kết quả tốt nghiệp THPT là 100%, thì điều đó hoàn toàn không mang lại bất cứ tiêu cực gì cho xã hội. Mà ngược lại, đó là sự khuyến khích đầu tiên cho mọi học sinh đều có cơ hội đi vào đời, có cơ hội học nghề, chứ không chỉ học đại học và có cơ sở (dù nhỏ) để tự tin rằng mình sẽ “không bị bỏ lại phía sau”.

Khi chỉ còn một kỳ thi duy nhất là thi đại học, thì chỉ những trường thuộc “tốp trên” được đứng ra tổ chức kỳ thi một cách nghiêm túc nhất, vì đây là thi chọn sinh viên cho trường mình. Những trường còn lại sẽ xét tuyển dựa vào kết quả “chuẩn” sau khi công bố điểm thi. Đó là việc rất dễ làm và đỡ tốn bao nhiêu tiền của nhân dân, của xã hội, của nhà nước, nhưng vì sao Bộ GD&ĐT không chịu làm?

Hóa ra, có những việc làm tốt không mấy khó khăn, nhưng ở nước ta, người ta đưa ra hết lý do này tới lý do khác để không làm. Lý do chính vì sao, thì ai cũng hiểu.

Trong khi nhập một cả hai kỳ thi, lại giao kỳ thi quốc gia đầy phức tạp này về cho các địa phương, không hiểu Bộ GD&ĐT có lường hết những nguy cơ như ở Hà Giang sẽ xảy ra? Tôi nghĩ, không có gì khó để hình dung những nguy cơ không mấy tiềm ẩn này, mà Hà Giang chỉ là “điểm lộ” mà người ta phát hiện do nó quá lộ, chứ không phải vì nó là hiện tượng cá biệt.

Bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT là một yêu cầu rất chính đáng của toàn xã hội, chứ không chỉ cho phụ huynh học sinh. Còn tổ chức một kỳ thi đại học nghiêm túc do những trường đại học lớn đứng ra đăng cai là nhu cầu thiết yếu cho cả nền giáo dục, chứ không riêng cho những trường đứng ra tổ chức thi. Tất cả những trường còn lại hoàn toàn được hưởng lợi khi xét tuyển điểm thi dựa vào kết quả một kỳ thi duy nhất này.

Không ai bảo đảm sẽ hết hẳn những tiêu cực thi cử, nhưng thi như thế này sẽ hạn chế tối đa những tiêu cực. Và đó là thắng lợi của chính nền giáo dục chúng ta. Còn nếu cứ duy trì kiểu thi như hiện nay, thì cứ mỗi mùa thi lại xảy ra, năm sau nhiều hơn năm trước, những vụ như Hà Giang, mà không cách gì xóa bỏ được.


THANH THẢO
 


.