Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan tham mưu

08:07, 15/07/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, thủ trưởng các sở, ban ngành, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thành phố đã quán triệt, nâng cao trách nhiệm, vai trò người đứng đầu trong việc tham mưu UBND tỉnh trình Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh những nội dung công việc đảm bảo yêu cầu về thời gian, chất lượng và khả thi trong quá trình triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều trường hợp lãnh đạo các sở, ngành, địa phương “khoán trắng” công việc cho cấp phó và bộ phận tham mưu, giúp việc; thiếu trách nhiệm trong tham mưu, dẫn đến chất lượng công việc thấp, không đạt yêu cầu.

Bên cạnh đó, chất lượng đội ngũ cán bộ ở các cơ quan, đơn vị tuy đã được nâng lên, từng bước được chuẩn hóa, song tính chuyên nghiệp chưa cao. Năng lực công tác của nhiều cán bộ tham mưu, giúp việc còn hạn chế; thiếu chủ động, nhạy bén trong công tác, nhất là trong tham mưu, đề xuất ý kiến, vận dụng chủ trương, chính sách còn máy móc. Một bộ phận cán bộ tinh thần trách nhiệm, khả năng hợp tác và phong cách làm việc còn yếu và chậm đổi mới...

Do vậy, cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc tham mưu, đề xuất đối với lãnh đạo tỉnh. Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng, với những nội dung như: Công tác cán bộ, kế hoạch phân bổ ngân sách nhà nước, các chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch, các cơ chế chính sách quan trọng, mang tính định hướng, thì người đứng đầu đơn vị phải trực tiếp tham mưu và chịu trách nhiệm chính.

Những nội dung khi được giao nhiệm vụ cho cơ quan, đơn vị nào, nếu tham mưu không đảm bảo tiến độ về thời gian, chất lượng theo yêu cầu, bị UBND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh trả, yêu cầu hoàn chỉnh lại, thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó sẽ bị đánh giá là không hoàn thành nhiệm vụ. Đây là những chỉ đạo hết sức cần thiết, nhằm nâng cao chất lượng của các cơ quan tham mưu, giúp việc, cũng như nâng cao chất lượng hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh.

Về phía lãnh đạo tỉnh, trước khi kết luận một việc cụ thể cần phải yêu cầu cơ quan tham mưu, giúp việc tham mưu và lắng nghe ý kiến của cơ quan tham mưu, để kết luận cho đúng. Còn với các sở, ban ngành, địa phương, mặc dù phải chấp hành thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, song đối với những vấn đề chưa đúng, chưa phù hợp với thực tiễn cũng cần phải có sự phản biện và đó cũng là cách để bảo vệ chính mình và bảo vệ lãnh đạo vậy!


PHẠM DANH
 


.