Bán lẻ Việt học bán lẻ Thái

02:07, 16/07/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong kinh tế thị trường, học hỏi lẫn nhau là chuyện bình thường. Không học, làm sao tốt hơn lên, làm sao phát triển?

Tôi đã có dịp qua Thái Lan vài lần và tôi rất hài lòng mỗi khi ghé vào một cửa hàng “24/7” ở đây để mua những món hàng nhỏ. Người ta gọi những cửa hàng tiện lợi này là những “siêu thị mini”, riêng tôi cứ gọi đó là cửa hàng cho tiện.

Những vật dụng cần thiết, những thực phẩm cần thiết thảy đều có thể mua trong những cửa hàng như thế, giá cả không hề đắt hơn mua ở siêu thị.

Người Việt mình vốn quen mua hàng ở những cửa hàng nhỏ mà ta hay gọi là “cửa hàng tạp hóa”. Nhưng cửa hàng tạp hóa truyền thống ở Việt Nam lại bán quá ít những mặt hàng, nhất là những mặt hàng tươi sống. Đơn giản, vì không có hệ thống bảo quản, hàng tươi sống rất dễ bị hư.

Ở những cửa hàng tiện lợi “24/7” của Thái Lan, có thể thoải mái mua từ hàng khô tới hàng tươi sống, nhất là rau xanh hay hoa quả tươi. Những mặt hàng này luôn được trữ ở nhiệt độ mát, được rửa sạch, để nguyên rễ, bày bán trong những chiếc rổ đan mây tre.

Chỉ là cửa hàng, diện tích không lớn, nhưng số lượng mặt hàng lại rất phong phú, do biết cách bày biện, sắp xếp, đoán trước được những nhu cầu cơ bản của khách hàng. Với khách du lịch, người bán hàng tổng kết được ý muốn và thói quen mua hàng của du khách ở từng quốc gia khác nhau, nên khách du lịch được hướng dẫn và phục vụ chu đáo đúng với thói quen mua hàng của mình.

Hàng bán trong những cửa hàng nhỏ như vậy đóng gói nhỏ, phù hợp với nhu cầu của khách là không mua lớn, không mua nhiều và mua dùng ngay. Những ông bà chủ “chạp phô” ở Thái luôn vui vẻ phục vụ khách, nhân viên của họ cũng vậy, tất cả để “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, như một khẩu hiệu mà ở Việt Nam đã có từ bao nhiêu năm, nhưng rất ít cửa hàng biết cách thực hiện. Không chê khách mua ít, không ngại bán hàng lẻ, chắt chiu từng đồng bạc mệnh giá thấp, phong thái bán hàng của người Thái trong các cửa hàng tiện lợi là như vậy.

Khi đặt tên cửa hàng “24/7”, là đã đặt một cam kết: Cửa hàng phục vụ khách 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần, không một phút ngơi nghỉ. Đó mới thực sự là “tiện lợi”, và nó là sự tiện lợi dành cho khách hàng, mà vất vả cho nhà hàng. Nhưng vì thu nhập của cửa hàng, vì sự phát triển, cửa hàng chấp nhận sự bất tiện đó, để phục vụ khách “hết mình”.

Không nói nhiều, chỉ làm tốt, không có chuyện “tốt khoe xấu che” trong cửa hàng, những cửa hàng “24/7” ở Thái Lan luôn đông khách trong bất cứ thời gian nào trong ngày. Vậy là họ đã đạt mục đích. Vào những cửa hàng đó, khách nhiều khi chỉ mua một món đồ rất ít tiền, nhưng luôn được “khuyến mãi” một nụ cười, và khi ra về, được một cúi chào đầy lễ phép và thân thiện. Đó chính là đạo đức của cửa hàng.

Hóa ra, những cái cửa hàng bán lẻ Việt Nam có thể học được ở các cửa hàng tiện lợi tại Thái Lan không phức tạp, không cầu kỳ rắc rối, mà rất giản dị, rất cụ thể, rất... dễ học. Vấn đề chỉ là, có muốn học hay không mà thôi.

Chợt nhớ, ở Việt Nam, sau nhiều phản ứng gay gắt về quy định "không giống ai" như siêu thị phải có diện tích tối thiểu 250m2 trở lên, không được giảm giá quá 3 lần/năm, Bộ Công thương đã yêu cầu dừng thực hiện dự thảo này. Bây giờ mà còn suy nghĩ như vậy thì biết bao giờ mới khá lên được?

THANH THẢO
 


.