Quảng Ngãi kỉ niệm 450 năm ngày mất Trấn Quốc Công Bùi Tá Hán

03:06, 28/06/2018
.

(Baoquangngai.vn)- Sáng 28.6, tức ngày 15.5 Âm lịch, Sở Văn hóa TT&DL tỉnh phối hợp cùng Hội đồng Gia tộc họ Bùi, địa phương tổ chức Lễ kỉ niệm 450 năm ngày mất của Trấn Quốc Công Bùi Tá Hán, một danh tướng nổi tiếng trong lịch sử, người đã có công lao to lớn đối với công cuộc khai phá, ổn định đời sống cho nhân dân vùng đất Quảng Nam xưa, nay thuộc các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên.

TIN LIÊN QUAN

 
Ủy viên Trung ương Đảng- Bí thư Tỉnh ủy- Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Viết Chữ; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng- Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Đinh Thị Hồng Minh; Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tăng Bính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ đã đến dự lễ.
 
Trấn Quốc Công Bùi Tá Hán sinh năm 1496, trong một gia đình danh nho ở Châu Hoan, nay thuộc tỉnh Nghệ An. Năm 1545, ông được vua Lê Trang Tông phong chức Bắc Quân đô đốc đem quân bình định quân nhà Mạc, vỗ yên miền biên trấn Quảng Nam (ngày nay là vùng đất thuộc các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên), sau thăng Bắc quân đô đốc phủ chưởng phủ sự, tước Thiếu bảo Trấn quận công.
 
Lãnh đạo tỉnh dâng hương tưởng niệm Trấn Quốc Công Bùi Tá Hán.
Lãnh đạo tỉnh dâng hương tưởng niệm Trấn Quốc Công Bùi Tá Hán.
 
Nhân dân và bà con tộc họ Bùi dâng hương tưởng niệm Trấn Quốc Công Bùi Tá Hán.
Nhân dân và bà con tộc họ Bùi dâng hương tưởng niệm Trấn Quốc Công Bùi Tá Hán.
 
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ khôi phục quyền lực nhà Lê ở vùng Nam Trung bộ và được cử làm trấn thủ xứ Thừa tuyên Quảng Nam, ông từng bước thiết lập quyền tài phán của mình lên vùng đất mới, kêu gọi nhân dân, binh lính khai hoang, lập làng, thu hút lượng lớn dân cư từ miền Bắc vào định cư.
 
Ông có nhiều “chính sách an dân” hòa hợp giữa người Việt với người Chămpa, người Kinh với người Thượng, với các cải cách phát triển kinh tế, xã hội tiến bộ, tạo điều kiện cho nhân dân giữa các vùng giao thương hàng hóa với nhau, tăng cường gìn giữ trật tự, trị an trong vùng.
 
Từ một vùng đất hoạn lạc liên miên, xứ Quảng trở thành vùng đất của hòa bình, sung túc. Công trạng của ông được triều đình ghi nhận, nhân dân ngưỡng mộ và yêu quí.
 
Ông mất vào năm 1568. Quảng Ngãi là một trong những địa phương có nhiều dinh, miếu thờ phụng ông khá nghiêm trang tại các huyện Lý Sơn, Mộ Đức, Sơn Hà, Trà Bồng… Đặc biệt là Di sản văn hóa quốc gia Mộ và Đền thờ Trấn Quốc Công Bùi Tá Hán tại tổ 24, phường Quảng Phú, TP.Quảng Ngãi, được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia và tháng 3.1990.
 
Đền thờ Trấn Quốc Công Bùi Tá Hán tại phường Quảng Phú, TP.Quảng Ngãi.
Đền thờ Trấn Quốc Công Bùi Tá Hán tại phường Quảng Phú, TP.Quảng Ngãi.
 
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ nhấn mạnh, đây là dịp để ôn lại cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến lớn lao của ông- một vị tướng tài năng về quân sự, một nhà cải cách đầy tâm huyết.
 
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Ngãi nguyện ra sức phấn đấu, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, tích cực đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa quê hương Quảng Ngãi phát triển nhanh và bền vững, sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, cùng với cả nước thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
 
Phó chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ mong muốn, cùng với các tộc họ trong cả nước, bà con tộc họ Bùi tiếp tục có những đóng góp thiết thực để phát triển kinh tế xã hội địa phương, đồng thời ra sức gìn giữ và phát huy giá trị di tích trong đời sống cộng đồng, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ trẻ.
 
Sau lễ, đại diện lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành và đông đảo nhân dân, gia tộc họ Bùi đã viếng hương tại Đền thờ Trấn Quốc Công Bùi Tá Hán.
 
Tin, ảnh: Thiên Hậu

.