Hội thảo "Đồng chí Trương Quang Trọng – người chiến sĩ cộng sản kiên cường của quê hương núi Ấn, sông Trà"

01:06, 26/06/2018
.

(Baoquangngai.vn)- Sáng 26.6, tại TP. Quảng Ngãi, Tỉnh ủy Quảng Ngãi  phối hợp với Tỉnh ủy Kon Tum và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia  với chủ đề: “Đồng chí Trương Quang Trọng – người chiến sĩ cộng sản kiên cường của quê hương núi Ấn, sông Trà”.
 
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi Lê Viết Chữ; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum Nguyễn Văn Hùng; Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Duy Bắc và Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Võ Văn Hào đã chủ trì  hội thảo.
 
 
Tham dự hội thảo có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Quang; Phó Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Minh; Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tăng Bính; các đồng chí nguyên lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Quảng Ngãi; lãnh đạo các tỉnh bạn và những nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong nước; đại diện gia đình đồng chí Trương Quang Trọng. 
 
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ nhấn mạnh: Trong thiên sử vàng của lịch sử dân tộc, của Đảng Cộng sản Việt Nam, tỉnh Quảng Ngãi vô cùng tự hào là một trong những địa phương đi đầu trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 
Trên vùng đất Quảng Ngãi kiên cường này đã sinh ra nhiều anh hùng dân tộc, các vị tướng lĩnh, các nhà khoa học, nhà văn hóa, nhà thơ, những người con ưu tú đã làm rạng danh quê hương, non sông, đất nước.
 
Tiểu biểu như: Anh hùng dân tộc Trương Định, Cử nhân Lê Trung Đình, Tú tài Nguyễn Tự Tân, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi đầu tiên Nguyễn Nghiêm, Thủ tướng Phạm Văn Đồng,... và trong những người con ấy có một chiến sĩ công sản kiến trung, đã hy sinh cả cuộc đời và tuổi trẻ cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, trở thành biểu tượng sáng ngời cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tinh thần yêu nước nồng nàn của nhân dân Quảng Ngãi, đó là đồng chí Trương Quang Trọng- Bí thư đầu tiên của Tỉnh hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Quảng Ngãi, thành viên Ban đấu tranh ở ngục Kon Tum. 
 
Ủy viên TƯ Đảng, Bí  thư Tỉnh ủy, Trường đoàn ĐBQH tỉnh Lê Viết Chữ phát biểu tại hội thảo
Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Viết Chữ phát biểu tại hội thảo
 
“Việc tổ chức hội thảo khoa học về “Đồng chí Trương Quang Trọng – người chiến sĩ cộng sản kiên cường của quê hương núi Ấn, sông Trà” nhằm tri ân, tôn vinh những đóng góp, công lao của các chiến sĩ cách mạng tiền bối nói chung và đồng chí Trương Quang Trọng nói riêng đã hy sinh quên mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Qua đó, góp phần vào công tác giáo dục truyền thống yêu nước, lý tưởng cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ."- Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ nhấn mạnh. 
 
Đồng chí Trương Quang Trọng sinh ngày 29.5.1906 tại làng Phú Nhơn, thị trấn Sơn Tịnh, nay là phường Trương Quang Trọng, TP. Quảng Ngãi. Từ nhỏ, đồng chí Trương Quang Trọng đã sớm tiếp thu truyền thống đấu tranh yêu nước kiên cường của quê hương. Ông từng học Cao đẳng Tiểu học ở Huế, học trường Bưởi tại Hà Nội, rồi học khoa Y trường Cao đẳng Đông Dương. Năm 1927, ông và các đồng chí thành lập tổ chức Việt Nam Cách mạng Thanh niên của tỉnh bộ và được bầu làm Bí Thư. 
 
Tháng 5.1929, đồng chí được cử làm đại biểu của Tỉnh bộ Quảng Ngãi dự Đại hội toàn quốc của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Hồng Kông. Sau khi về nước, cuối tháng 7.1929, đồng chí tập hợp các đồng chí tích cực trong Tỉnh bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại núi Xương Rồng, huyện Đức Phổ thành lập tổ chức “dự bị cộng sản” của tỉnh, làm nhiệm vụ của Ban vận động thành lập Đảng bộ Cộng sản Quảng Ngãi. 
 
Đến ngày 19.8.1929, Trương Quang Trọng bị chính quyền thực dân Pháp bắt giữ. Sau một thời gian bị giam ở nhà lao Quảng Ngãi, ông bị tòa án thực dân kết án 9 năm tù khổ sai, 4 năm quản thúc. Đầu năm 1931, đồng chí cùng một số tù nhân bị chuyển vào lao Quy Nhơn, đến tháng 6.1931 bị đày lên ngục Kon Tum.
 
Tại đây, đồng chí đã cùng các tù nhân đấu tranh quyết liệt phản chống chế độ giam cầm hà khắc của nhà tù thực dân. Ngày 12.12.1931, đồng chí đã anh dũng hy sinh trong cuộc đấu tranh lưu huyết của tù chính trị tại ngục Kon Tum, nhằm phản đối việc thực dân Pháp cưỡng bức họ đi mở đường 14 lần thứ 2 (mùa khô 1931-1932) ở Đắkpét, khi vừa tròn 25 tuổi. 
 
Quang cảnh buổi hội thảo
Quang cảnh buổi hội thảo.
 
Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ đề nghị, tại hội thảo này, các nhà nghiên cứu, các vị đại biểu tiếp tục tích cực đóng góp nhiều ý kiến, nhiều nguồn tư liệu để góp phần làm sáng tỏ những vấn đề về: Thân thế, sự nghiệp, dấu ấn của quê hương, gia đình trong việc hình thành, nuôi dưỡng và phát huy tinh thần yêu nước, nhân cách cao quý của người chiến sĩ cộng sản Trương Quang Trọng; tư tưởng, hành động yêu nước và những đóng góp của đồng chí Trương Quang Trọng cho phong trào cách mạng; tư duy sáng tạo, nhạy cảm với cái mới của ông so với các nhà hoạt động cách mạng cùng thời.
 
Đồng thời, phân tích, làm rõ hơn vai trò của đồng chí Trương Quang Trọng trong Ban lãnh đạo đấu tranh tại ngục Kon Tum; bổ sung những nguồn tư liệu, nhằm đánh giá một cách toàn diện, khách quan về tầm vóc của Trương Quang Trọng đối với phong trào cách mạng Quảng Ngãi và cả nước; phương hướng phát huy tinh thần đấu tranh cách mạng kiên cường của đồng chí Trương Quang Trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh Quảng Ngãi và trong phong trào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
 
 
Các đại biểu tham gia phát biểu tại hội thảo
Các đại biểu tham gia phát biểu tại hội thảo.
 
Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu, các đại biểu đã đóng góp gần 30 tham luận phản ánh khá toàn diện, đầy đủ, sâu sắc về cuộc đời và những đóng góp của đồng chí Trương Quang Trọng đối với cách mạng Việt Nam nói chung và quê hương Quảng Ngãi nói riêng.
 
Đặc biệt, nhiều ý kiến trong hội thảo thống nhất đánh giá công lao đóng góp to lớn của đồng chí Trương Quang Trọng trong việc chuẩn bị những điều kiện chín muồi cho việc thành lập tổ chức ‘Dự bị cộng sản’ đầu tiên của Quảng Ngãi vào đầu năm 1930. Các ý kiến tham luận tại hội thảo khẳng định, đồng chí Trương Quang Trọng là một trong những thanh niên trí thức tiến bộ, giữ vai trò chủ yếu trong việc xây dựng tổ chức tiền thân của Đảng bộ Quảng Ngãi.
 
 
Đại biểu xem các hình ảnh tư liệu liên quan đến cuộc đời của đồng chí Trương Quang Trọng trưng bày tại hội thảo
Đại biểu xem các hình ảnh tư liệu liên quan đến cuộc đời của đồng chí Trương Quang Trọng trưng bày tại hội thảo.
 
 
Phát biểu bế mạc hội thảo, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Duy Bắc  cho rằng: Hội thảo hôm nay đã tạo nên dấu ấn quan trọng trong quá trình nghiên cứu về thân thế, sự nghiệp của đồng chí Trương Quang Trọng- một trong những đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi.
 
Hội thảo đã tập hợp những bài viết, tư liệu, hình ảnh quý về cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Trương Quang Trọng; đồng thời cũng đặt ra các hướng tiếp cận mới về nhân vật lịch sử này thông qua những chuyện kể của gia đình đến những tài liệu lưu trữ của Pháp…
 
Từ đó, có thêm cơ sở để nhìn nhận, đánh giá đầy đủ, khách quan, khoa học và sâu sắc hơn về vị trí, vai trò cũng như những đóng góp quan trọng của đồng chí Trương Quang Trọng đối với sự nghiệp các mạng Việt Nam nói chung và quê hương Quảng Ngãi nói riêng. 
 
 
H.P
 

.