Nghĩa Hành cần phát triển các mô hình theo hướng tập trung

12:05, 15/05/2018
.

(Baoquangngai.vn)- Chiều 14.5, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tăng Bình đi kiểm tra thực tế các mô hình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi điển hình trên địa bàn huyện Nghĩa Hành và có buổi làm việc với lãnh đạo huyện.
 
Theo báo cáo của UBND huyện Nghĩa Hành, đến nay trên địa bàn tỉnh có nhiều mô hình trồng trọt như dự án sản xuất lúa, gạo hữu cơ chất lượng cao tại xã Hành Dũng, Hành Nhân với quy mô 30ha; dự án trồng cây ăn quả với diện tích khoảng 250 ha tại 12 xã, thị trấn, trong đó chủ yếu các loại cây như chôm chôm, sầu riêng, bưởi da xanh...
 
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tăng Bính phát biểu tại buổi làm việc
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tăng Bính phát biểu tại buổi làm việc với huyện Nghĩa Hành
Huyện cũng đã triển khai hiệu quả mô hình dồn điền, đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn với 206 ha để trồng lúa chất lượng cao, mang lại giá trị trên 90 triệu đồng/ha. Cùng với đó triển khai các mô hình chuyển đổi giống cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây có hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt là mô hình trồng chuối ngự tại xã Hành Tín Đông và các mô hình kinh tế trang trại đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.
 
Tại buổi làm việc huyện Nghĩa Hành kiến nghị với lãnh đạo tỉnh cần hỗ trợ chi phí xây dựng vùng cây ăn quả có giá trị hàng hóa; hỗ trợ kinh phí để xây dựng hạ tầng giao thông, thủy lợi; xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp; hỗ trợ các mô hình khuyến nông, khuyến lâm có giá trị kinh tế cao.

 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tăng Bính  (thứ 2 bên phải) đi thực tế mô hình
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tăng Bính (thứ 2 bên phải) đi thực tế các mô hình cây ăn quả tại xã Hành Nhân
Phát biểu tại buổi làm việc Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tăng Bính đã đánh giá cao nỗ lực của huyện Nghĩa Hành trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, đồng thời cho rằng, Nghĩa Hành là huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh, những mô hình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện là đáng ghi nhận và cần nhân rộng. 
 
Tuy nhiên, những mô hình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện bước đầu có mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, nhưng việc phát triển các mô hình trên vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa tập trung và tạo thương hiệu riêng cho sản phẩm hàng hóa.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tăng Bính cho rằng, muốn khắc phục những hạn chế trên thì huyện Nghĩa Hành cần phải phát triển các mô hình cây trồng, vật nuôi theo hướng tập trung. Riêng cây ăn quả, trong những năm đến, phải phát triển cho được trên 1.000 ha, tạo ra chuỗi sản phẩm hàng hóa để đưa vào hệ thống siêu thị. Ngoài ra, ngành nông nghiệp huyện cũng phải khuyến cáo để người nông dân sản xuất theo thời vụ thích hợp để tránh tình trạng nông sản làm ra không có đầu mối tiêu thụ.
 
Tin, ảnh: M.Toàn
 
 

.