Bộ Nội vụ trình phương án hợp nhất, sáp nhập 17 sở ngành

01:04, 17/04/2018
.

Bộ Nội vụ vừa đưa ra kế hoạch sáp nhập 17 sở ngành, cơ quan giúp việc lại với nhau hoặc hợp nhất với cơ quan của Đảng. Theo đó, chỉ còn 4 sở ngành được giữ nguyên là Tư pháp, Tài nguyên – Môi trường, Y tế, Lao động – Thương binh và Xã hội.

Bộ Nội vụ vừa đưa ra dự thảo về việc hoàn thiện Nghị định của Chính phủ quy định tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Quy định nêu rõ quan điểm không nhất thiết ở Trung ương có Bộ, cơ quan ngang Bộ, thì ở cấp tỉnh có Sở tương ứng.

Trong số hơn 20 sở, ngành, cơ quan tham mưu giúp việc, Bộ Nội vụ đề xuất 4 sở (Tư pháp, Tài nguyên – Môi trường, Y tế, Lao động – Thương binh và Xã hội) được tổ chức thống nhất trên phạm vi cả nước nhằm bảo đảm giữ ổn định và phát huy hiệu quả của mô hình tổ chức sở quản lý đa ngành, đa lĩnh vực hoặc sở tham mưu quản lý chuyên ngành, chuyên sâu có tính ổn định.
 

 Bộ Nội vụ vừa trình phương án sáp nhập hoặc hợp nhất 17 sở ngành
Bộ Nội vụ vừa trình phương án sáp nhập hoặc hợp nhất 17 sở ngành


Bộ Nội vụ đề xuất trao thẩm quyền cho UBND trình HĐND quyết định giữ ổn định hoặc hợp nhất các sở: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Giao thông vận tải; Xây dựng; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công thương; giáo dục và Đào tạo; Khoa học và Công nghệ; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thông tin và Truyền thông.

Với Sở Nội vụ, Thanh tra tỉnh, Văn phòng UBND, Bộ Nội vụ đề xuất tổ chức thí điểm hợp nhất với Ban Tổ chức tỉnh, Uỷ ban Kiểm tra tỉnh và Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng HĐND cấp tỉnh.

Bộ Nội vụ cũng đề xuất trao quyền cho cấp tỉnh xem xét quyết định giữ nguyên hoặc sáp nhập Sở Quy hoạch – Kiến trúc (thuộc UBND TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh) và 3 sở do Chính phủ quy định tiêu chí thành lập là Ban Dân tộc, Sở Ngoại vụ, Sở Du lịch.

Theo phân tích của Bộ Nội vụ việc giữa Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính, chức năng, nhiệm vụ có mối quan hệ liên thông với nhau. Trường hợp hợp nhất các sở này sẽ có tên gọi là Sở Tài chính – Kế hoạch.

Về hợp nhất Sở Giao thông vận tải với Sở Xây dựng, Bộ Nội vụ cho rằng, việc phát triển đô thị hiện đại không thể tách rời giữa quy hoạch xây dựng đô thị với quy hoạch hạ tầng giao thông. Việc hình thành một cơ quan quản lý thống nhất hai lĩnh vực này sẽ bảo đảm nâng cao tính hiệu quả, khắc phục những bất cập chồng chéo trong quản lý hạ tầng đô thị. Trường hợp hợp nhất các sở này thì có tên gọi mới là Sở Giao thông vận tải – xây dựng.

Đối với phương án hợp nhất Sở NN&PTNN với Sở Công Thương, Bộ Nội vụ cho rằng, một số thành phố trực thuộc Trung ương tỷ trọng nông nghiệp thấp so với ngành nghề khác nên không cần thiết thành lập một sở chuyên trách lĩnh vực nông nghiệp. Trong trường hợp hợp nhất các sở này có tên gọi là Sở Công nghiệp, Nông nghiệp và Thương mại.

Về phương án hợp nhất Sở Thông tin và Truyền thông với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nội vụ lý giải rằng, chức năng quản lý nhà nước ở địa phương không lớn nên không cần thiết duy trì một sở tham mưu chuyên trách về các lĩnh vực nêu trên. Trong trường hợp hợp nhất các sở này, sẽ có tên gọi là Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch hoặc Sở Văn hóa, Thông tin và Thể thao.

Còn việc hợp nhất Sở Khoa học và Công nghệ với Sở Giáo dục và Đào tạo cũng được Bộ Nội vụ lý giải, các lĩnh vực trên có liên quan mật thiết với nhau. Khoa học công nghệ là nghiên cứu để đưa ra kết quả tối ưu, áp dụng, vận dụng và phục vụ đời sống xã hội; do đó việc hợp nhất là phù hợp.
 

Theo Quang Phong/Dân Trí

 


.