Trường đại học phi lợi nhuận ở Việt Nam

09:03, 12/03/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ở Việt Nam hiện nay, không phải dễ dàng để có một trường đại học phi lợi nhuận, điều đã trở nên bình thường ở các nước phát triển khác. Lý do cũng đơn giản: Hầu hết những người đứng ra thành lập trường đại học tư thục ở Việt Nam đều nhắm tới... lợi nhuận.

Có vài trường lúc ban đầu hướng tới phi lợi nhuận, nhưng với áp lực phải... lợi nhuận, những người điều hành nếu không thỏa mãn được nhu cầu này của cổ đông, họ chắc chắn không còn ở vị trí điều hành trường. Đại học Hoa Sen là một ví dụ. Hiệu trưởng Bùi Trân Phượng rất thiết tha với mục tiêu phi lợi nhuận của trường, nhưng đã không thể tại vị, do các cổ đông lớn không đồng ý.

Họ chỉ muốn trường cũng là trường... có lợi nhuận, như bao nhiêu trường khác. Trường Đại học Phan Chu Trinh ở Hội An cũng vậy.

Bây giờ thì đã chính thức có một trường đại học mới thành lập tuyên bố rõ ràng mục tiêu phi lợi nhuận. Đó là Trường Đại học VinUni do Tập đoàn Vingroup sáng lập. Thông cáo báo chí khi thành lập Đại học VinUni cho biết: “Khát vọng của VinUni là tạo ra đột phá trong chất lượng giáo dục đại học tại Việt Nam, hướng tới đạt đẳng cấp thế giới.

Nhằm hiện thực hóa khát vọng này, Vingroup sẽ đầu tư xây dựng VinUni dựa trên các chuẩn mực cao nhất về nghiên cứu, giảng dạy, việc làm và triển vọng quốc tế. VinUni đã có kế hoạch cụ thể để hợp tác chiến lược với một số đại học thuộc Top 20 đại học tốt nhất toàn cầu, chú trọng các trường thuộc nhóm Ivy League như Đại học Cornell và Đại học Pennsylvania. Trường được định hướng để đáp ứng tiêu chuẩn xếp hạng và xếp loại hàng đầu trong giáo dục đại học thế giới như Quacquarelli Symonds, Times Higher Education...”.

Mục tiêu của Đại học VinUni rất cao xa, nhưng vì sao người ta tin được mục tiêu này có thể thành hiện thực? Lý do cũng đơn giản, vì Tập đoàn Vingroup là tập đoàn kinh tế tư nhân lớn mạnh nhất Việt Nam hiện nay. Họ có đủ điều kiện, mà điều kiện đầu tiên là năng lực tài chính, để làm việc này.

Với những đại học phi lợi nhuận lớn trên thế giới, đặc biệt là ở Mỹ, thì việc liên kết với những nhà tài trợ lớn là yêu cầu tiên quyết để đại học phi lợi nhuận vận hành. Muốn hoạt động, thì đại học phi lợi nhuận phải có tài trợ lớn và thường xuyên. Ngược lại, khi trường đại học phi lợi nhuận đã có thương hiệu, nó sẽ là nơi thực hiện nhiều nghiên cứu khoa học, hoàn tất nhiều hợp đồng mà những đối tác tài trợ đặt hàng. Đó là sự đổi lại rất ngang giá với những tài trợ mà nhà trường nhận được.

Những ý tưởng lớn có thể phát xuất từ sự lãng mạn, nhưng một hiện thực lớn chỉ hình thành xuất phát từ thực tế. Đại học phi lợi nhuận, về thực chất, cũng là đại học có lợi nhuận, nhưng lợi nhuận ở đây được tạo ra bởi chất xám của chính giảng viên và sinh viên trong trường thực hiện các đề tài khoa học công nghệ.

Với Đại học VinUni, tình hình có khác hơn một chút. Đó là trường đại học được tài trợ bởi Tập đoàn Vingroup, và dĩ nhiên, sẽ tạo ra sản phẩm từ chất xám phục vụ trước hết cho nhu cầu phát triển của tập đoàn này. Đó là nơi ươm mầm tài năng, và những tài năng ấy sẽ phục vụ trước hết cho Tập đoàn Vingroup, như thế, cũng là phục vụ cho sự phát triển của đất nước. Ở đây, lợi ích của nhà đầu tư đồng hành với lợi ích quốc gia, đúng theo slogan: “Dân giàu thì nước mạnh”.

Là một đại học vươn tới đẳng cấp thế giới, dĩ nhiên, đầu vào của Đại học VinUni sẽ rất cao. Chỉ những học sinh giỏi và rất giỏi mới vào được trường này. Đại học ấy phải chọn học sinh giỏi, tài năng, không phân biệt giàu nghèo. Và nếu những học sinh tài năng đủ điểm vào đại học này, mà là con nhà nghèo, thì liệu nhà trường có cấp học bổng cho các em hoàn tất chương trình đại học? Điều này VinUni cần nói rõ.

Hy vọng đây sẽ là trường đại học tư thục mang tính đột phá trong giáo dục đại học ở Việt Nam. Đào tạo tài năng để phục vụ Tập đoàn Vingroup, cũng là để phục vụ cho đất nước. Bởi tài năng là nguyên khí quốc gia, nên không ai có thể sở hữu tài năng cho riêng mình.   


THANH THẢO
 


.