Nhân lực số trong cách mạng số

09:03, 18/03/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tôi vừa được đọc bài viết của GS.Hồ Tú Bảo: “Nhân lực số trong những năm tới”. Đây là một đề tài rất hay, rất được quan tâm bây giờ, lại được viết bởi một giáo sư mà “sơ yếu lý lịch” như thế này: “GS.Hồ Tú Bảo quê ở Hà Nội, sinh năm 1952 tại Việt Bắc, cựu sinh viên Toán ĐH Sư phạm Hà Nội.

Nhập ngũ năm 1971, chiến sĩ trinh sát Sư đoàn 325, chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị từ 1972-1974, xuất ngũ 1974 sau khi bị thương. Tốt nghiệp ngành Toán, khoa Toán-Lý, đại học Bách khoa Hà Nội 1978, tiến sĩ Tin học tại Đại học Paris 6 (1987), tiến sĩ khoa học về Tin học Đại học Paris 9 (1998). Hiện là giáo sư tại Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Nhật Bản, chuyên nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo”.

Một Giáo sư quốc tế chuyên về trí tuệ nhân tạo như thế viết về những vấn đề của cách mạng số 4.0, về vai trò trí tuệ nhân tạo trong cuộc cách mạng này thì thật đáng đọc và suy ngẫm. Có một đoạn trong bài viết của GS.Hồ Tú Bảo khiến tôi đặc biệt chú ý: “Khả năng dùng và mức độ hiện dùng công nghệ số của một số ngành nghề còn ở mức thấp, gần zero như nghề nông (agriculture worker), hoặc gần 1 như nghề lái xe (driver) hay nghề may mặc (garment worker), trong khi khả năng dùng công nghệ số của các nghề này rất cao, cho ta những nhìn nhận mới, cho thấy triển vọng lớn của Việt Nam, khi đất nước định hướng những mũi nhọn kinh tế là công nghệ thông tin, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ...”.

Những ngành nghề này, một khi Cách mạng số 4.0 ập tới, sẽ xảy ra hai khả năng: Một là, nhờ tự động hóa và robotic, những ngành nghề này sẽ phát triển vượt bậc, đồng thời giảm một số lượng nhân công là công nhân rất đáng kể. Hai là, những công nhân bị thay thế bởi tự động hóa và robotic này sẽ về đâu, sẽ làm gì trong cách mạng số?

GS.Hồ Tú Bảo viết: “Có thể nói, về bản chất, quốc gia nào thắng cuộc trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư là quốc gia làm chủ được công nghệ số và các nguồn dữ liệu, đưa chúng vào mọi lĩnh vực của sản xuất và cuộc sống, làm cho sản xuất và cuộc sống thông minh và hiệu quả hơn qua các phương pháp của trí tuệ nhân tạo. Muốn làm cách mạng phải có lực lượng. Muốn làm cách mạng công nghiệp lần thứ tư phải có nguồn nhân lực số.

Cần chuẩn bị và đào tạo ngay nguồn nhân lực số của ta, để đông đảo người lao động có thể dùng được công nghệ số trong nghề nghiệp của mình và một bộ phận tinh hoa có thể tạo ra công nghệ số cho những nghề nghiệp đó, nhất là những nghề trong hướng phát triển của đất nước”.

Vậy thì, việc đào tạo nguồn nhân lực cho cách mạng số là hết sức quan trọng và bắt buộc phải làm. Đây không chỉ là việc của các trường đại học, mà còn là việc của các trường dạy nghề trong nước. Phải để sinh viên, học sinh làm quen ngay với thế giới số, bắt đầu học những kỹ năng về xử lý những công nghệ số mà đất nước đang có, đồng thời “nhập khẩu” những kiến thức mới mẻ nhất về cách mạng số để đông đảo sinh viên được làm quen và cập nhật.

Đặc biệt, có hai kỹ năng mà GS.Hồ Tú Bảo nhấn mạnh, đó là kỹ năng “quản lý nhân sự” và “trí tuệ cảm xúc”, hai kỹ năng dành cho bộ phận “tinh hoa” trong thế hệ trẻ, vì nó mang tính dẫn dắt rất cao. Chúng ta cũng biết, hiện tại Việt Nam đang thiếu những CEO tài giỏi như thế nào. Chính hai lĩnh vực “quản lý nhân sự” và “trí tuệ cảm xúc” là dành cho những CEO tài giỏi trong tương lai gần ấy, những vai trò mang tính sáng tạo cao trong quản lý và điều hành kinh tế.

Đừng nghĩ những câu chuyện này là “câu chuyện của tương lai”, những câu chuyện xa vời. Chúng sẽ đến trong những tháng năm sắp tới đây, và nếu không chuẩn bị nguồn nhân lực để đáp ứng, chúng ta sẽ bị bỏ ngay lại phía sau.

THANH THẢO
 


.