Khắc phục tính thụ động

09:03, 31/03/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, hoạt động của các sở, ban, ngành và chính quyền cấp huyện, thành phố có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, nhất là sau khi tỉnh ta thực hiện mạnh công tác phân cấp quản lý, giao quyền tối đa cho các đơn vị, cơ sở trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội, đầu tư xây dựng cơ bản, thu hút đầu tư...

Chính vì lẽ đó mà bắt đầu từ năm 2018, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch và ban hành Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và cấp huyện, thành phố (gọi tắt là DDCI). Đây được coi là bước đi vững chắc trong việc xây dựng nền hành chính công hiện đại, công khai, minh bạch, “vì nhân dân, doanh nghiệp mà phục vụ”; khắc phục tính thụ động của các đơn vị, chính quyền cấp huyện trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao.

Thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự giám sát của HĐND và MTTQ các cấp, UBND các huyện, thành phố; các sở, ban, ngành của tỉnh đã có nhiều đổi mới, sáng kiến trong thực hiện các nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, vẫn còn không ít đơn vị, địa phương thụ động, chưa làm tốt công tác tham mưu, đề xuất cho lãnh đạo tỉnh.

Cá biệt, một số đơn vị, địa phương chưa thực hiện nghiêm túc những công việc thường xuyên, đột xuất mà tỉnh giao, nhưng không báo cáo, hoặc báo cáo không đầy đủ, dẫn đến UBND tỉnh phải ban hành rất nhiều văn bản để nhắc nhở, phê bình, chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân... Nguyên nhân, do người đứng đầu các đơn vị, địa phương chưa thật sự sâu sát với công việc được giao. Cùng với đó, một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức chưa ý thức hết trách nhiệm của mình trong công việc; một số trường hợp có biểu hiện gây khó cho tổ chức, cá nhân trong thực thi nhiệm vụ để nhũng nhiễu, tư lợi... Thực trạng đó làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong thời gian qua.

Do đó, việc UBND tỉnh ban hành Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và cấp huyện bắt đầu thực hiện trong năm 2018 là hết sức cần thiết. Bộ chỉ số gồm 8 chỉ số thành phần: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin; tính năng động; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; hỗ trợ doanh nghiệp; thiết chế pháp lý và tiếp cận đất đai. Trong đó, các sở, ban, ngành không dựa vào tiêu chí thứ 8 (thiết chế pháp lý và tiếp cận đất đai) để đánh giá và xếp hạng.

Chúng ta đang từng bước xây dựng và tiến tới hình thành một nền hành chính công hiện đại, minh bạch, vì sự phát triển của doanh nghiệp, sự hài lòng của người dân, thì việc nâng cao năng lực cạnh tranh giữa các sở, ban, ngành và cấp huyện có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng. Bởi lẽ, sự thành công của công tác này sẽ thúc đẩy nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, góp phần thu hút đầu tư vào tỉnh.

Từ đây, tạo ra phong trào thi đua có chiều sâu giữa các sở, ban, ngành và địa phương trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội và các nhiệm vụ khác được giao. Có được chỉ số năng lực cạnh tranh cao không chỉ là niềm vinh dự của mỗi địa phương, đơn vị, mà qua đó còn có thể đánh giá được năng lực lãnh đạo, điều hành của người đứng đầu các sở, ban, ngành và địa phương trong tỉnh. Đồng thời, sẽ tiến đến khắc phục sự thụ động trong thực hiện các nhiệm vụ được giao của các sở, ban, ngành và địa phương, nhằm thúc đẩy, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.


Đức Nguyễn
 


.