Tự học và học suốt đời

08:11, 25/11/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhân chuyện đào tạo tiến sĩ hàng loạt tại Việt Nam, tôi tìm đến một tài liệu của Mỹ nói về giáo dục. Điều bất ngờ, là từ nhà bác học tới người dân bình thường ở Mỹ, khi được hỏi về tiến trình giáo dục, đã cùng nói về tự học và hành trình học suốt đời. “Giáo dục thực sự nhằm giúp người học có thể tự học”, nhà ngôn ngữ học nổi tiếng, triết gia, nhà sử học và nhà khoa học, Noam Chomsky cho biết. Ilina Das Ewen (một người dân) tại North Carolina cũng cho rằng: “Dạy trẻ những suy nghĩ sáng tạo và phân tích, để khơi gợi trí tò mò, óc tưởng tượng, và từ đó hình thành tình yêu đối với việc học suốt đời. Tôi thấy giáo dục là một cuộc hành trình suốt đời”.

Khi đã nói việc học tập là hành trình suốt đời, chúng ta đã đặt chủ thể học tập không chỉ là học sinh hay sinh viên, chúng ta quan sát sự học của một con người từ nhỏ tới già, có thể từ học sinh qua sinh viên tới thạc sĩ hay tiến sĩ, và có thể từ một người tự học hồi trẻ cho tới một người tự học khi tuổi đã về già. Những tấm gương tự học ở Việt Nam có rất nhiều, qua nhiều thời kỳ lịch sử, qua những khúc quanh, những thăng trầm của ngành giáo dục. Với mỗi con người, mục đích học tập có thể khác nhau, nhiều người học để có kỹ năng làm việc, nhiều người học với ước mơ sáng tạo những điều chưa từng có, nhiều người lại chỉ học cho biết, học để làm người hiểu biết, người lương thiện, người nhân ái.

Trong cuộc sống, chúng ta hay nói “người có học” như một chủ thể có ngoại diên rất rộng, bởi “bể học là mênh mông”, và người có học là người thiết tha với sự học, thiết tha với hiểu biết, là người không chịu lùi bước trước những rào cản, và không bao giờ coi sự thiếu hiểu biết là một điều mặc định, một định mệnh của con người. Xã hội rất cần những con người như vậy, cần hơn những bằng cấp mà họ có hoặc không có.

Tấm gương những người tự học có thể xốc dậy tinh thần ham học cho cả một cộng đồng, và trong một đất nước đang phát triển như Việt Nam, nó khơi lên ngọn lửa của tri thức, nó cổ vũ mỗi người tùy điều kiện thực tế của mình có thể tự trang bị cho mình những kiến thức hữu ích, và từ đó, có thể làm được nhiều việc từ nhỏ tới lớn một cách thành thạo. Sự sáng tạo cũng nảy ra từ đó, từ sự tìm tòi tự học, từ khát khao hiểu biết và khám phá, chứ không từ việc kiếm cho ra những tấm bằng để tiến thân, trong khi thiếu đi rất nhiều kiến thức thực tế, thiếu đi ngọn lửa của lòng khát khao hiểu biết.

Tôi rất tâm đắc với cách giáo dục của thầy Đặng Văn Cương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học nội trú Sơn Ba (Sơn Hà). Thầy Cương không chỉ dạy cho “em bé tí hon” K’Rể những kỹ năng đơn giản để em có thể sống tự lập trong khả năng có thể, thầy còn dạy cho các em học sinh dân tộc nội trú bình thường khác những kỹ năng lao động thích hợp với độ tuổi các em. Dạy cho trẻ em lao động, yêu quý lao động, có kỹ năng lao động là cách dạy học tiên tiến nhất hiện nay trên thế giới.

Cách dạy học ấy đã có từ mấy trăm năm nay, có từ ở Mỹ, từ ở Châu Âu, và có ngay ở Việt Nam, và rất cần phát huy cao độ trong thời đại này. Ấy vậy mà, bây giờ chúng ta chỉ thường thấy các em học sinh từ nhỏ tới lớn phải học trong sách vở suốt cả ngày thâu đêm, trong khi gần như không có thời gian để học những kỹ năng lao động bình thường nhất.

Tự học phải bắt đầu từ những bài học bình thường cụ thể và có ứng dụng thực tế trở đi, cũng như học suốt đời phải bắt đầu từ những bước đi chập chững trong biển kiến thức, trước khi có thể bước vững vàng.       
 

THANH THẢO
 


.