Phá sản và nợ thuế

09:11, 07/11/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, cả nước hiện có hơn 600.000 doanh nghiệp (DN) và hộ kinh doanh nợ đọng thuế, trong đó phần lớn DN, hộ kinh doanh đã giải thể, phá sản, chuyển khỏi nơi cư trú. Ông Đinh Tiến Dũng nói: "Lâu nay chúng ta chỉ báo cáo số DN đăng ký mới, nhưng qua theo dõi vài năm trở lại đây, cứ 4 DN gia nhập thị trường thì có 3 ông đóng cửa, phá sản. Đấy là một thực tế".

Nhưng có thật trong 4 DN khởi nghiệp (start-up) thì có 3 DN phải đóng cửa vì phá sản không? Điều này cần có sự điều tra và phân loại rõ ràng.

Có một “chiêu thức” mà nhiều người đã biết, nhưng không thấy Bộ Tài chính nói ở đây, đó là có rất nhiều “doanh nghiệp ma” được lập nên để... vay tiền ngân hàng cho một mục đích nào đó, khi xong việc thì họ lẳng lặng đóng cửa, không biết có phá sản hay không, nhưng chuyển khỏi nơi cư trú, lặn mất tăm, không đóng thuế. Đây là những “doanh nghiệp ma” chứ không phải doanh nghiệp khởi nghiệp. Điều này cần phân biệt cho rõ. Và những “doanh nghiệp ma” kiểu này phải là đối tượng của... công an, chứ không phải của Bộ Tài chính hay Tổng cục Thuế.

Tuy nhiên, số nợ đọng mà những “doanh nghiệp ma” này để lại đã biến thành nợ xấu, nợ khó đòi, hoặc chẳng biết đâu mà đòi. Chưa kể, những DN mà chủ thể đã chết hoặc mất tích, hoặc đang thi hành án hình sự, có “thân ái” để lại số nợ lên đến 28.221 tỷ đồng. Số nợ này có lẽ sẽ vô cùng khó đòi. Vì lẽ đó, tính đến ngày 30.9.2017, ông Đinh Tiến Dũng cho biết tổng nợ thuế của cả nước hiện đang là 73.900 tỷ đồng. Một số nợ lớn đến như vậy, nhưng khả năng thu hồi được lại rất... lai rai. Cũng theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, cho tới nay mới thu hồi được khoảng 3%, tương đương 2.200 tỷ đồng.

Có điều lạ, là quá nhiều DN nợ thuế, nhưng chẳng thấy DN nào tuyên bố phá sản cả. Cứ lẳng lặng... biến mất, thế thôi. Đó là một chuyện quá bất thường. Vì thế, Bộ Tài chính không chỉ ngồi kêu than, mà phải có giải pháp căn cơ và hữu hiệu, nhằm ngăn chặn tình trạng này. Đừng để khi cơ quan công an phải vào cuộc, vì khi đó, thường là đã quá chậm rồi.

Trong khi đó, những DN khởi nghiệp chân chính có thể vì thực tế khá méo mó này mà luôn phải chịu những soi mói bất công, chịu những sự nghi ngờ không đáng có, mặc dù họ làm ăn lương thiện.

Chính phủ luôn ủng hộ các DN khởi nghiệp, nhưng cần có sự điều tra chặt chẽ để phân biệt những “doanh nghiệp ma” và DN khởi nghiệp chân chính. Điều này Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế phải nhận trách nhiệm rà soát, phân loại và theo dõi chặt chẽ. Có như thế, mới tránh được phần nào sự thất thoát thuế, và cả nợ xấu ngân hàng do những “doanh nghiệp ma” gây ra. Còn dĩ nhiên, những DN khởi nghiệp, nhưng sau một thời gian làm ăn thua lỗ bị phá sản phải đóng cửa cũng là chuyện bình thường trong nền kinh tế thị trường. Chỉ có điều, cần theo dõi và kiểm soát chặt hoạt động của tất cả các DN để “thu đúng, thu đủ” các loại thuế, chứ không chỉ các DN khởi nghiệp. Nhiều DN “lớn” và “già”, nhưng rất hay trốn thuế và trốn thuế rất tài tình. Điều này cũng rất cần được làm rõ.      
             

THANH THẢO
 


.