Xây dựng "giáo dục nền" ở TP.Quảng Ngãi

02:10, 02/10/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong một tham luận tại cuộc hội thảo về tự chủ giáo dục phổ thông, tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Nam-nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT-đã kịch liệt phản đối việc đánh đổi tự chủ của nhà trường bằng việc phụ thu dẫn tới lạm thu, làm mất đi tính lý tưởng xã hội của giáo dục phổ thông: “Không thể coi giáo dục phổ thông là nơi áp dụng cơ chế thị trường được, mà cần coi giáo dục phổ thông, đặc biệt giáo dục phổ cập từ mẫu giáo 5 tuổi đến hết THCS là dịch vụ công thiết yếu, nơi Nhà nước cần đầu tư ngân sách để bảo đảm các khoản chi của nhà trường”. Có một nơi đang thực hiện đúng tinh thần “dịch vụ công thiết yếu” này trong giáo dục từ mẫu giáo tới hết THCS, đó là TP.Quảng Ngãi.

TIN LIÊN QUAN


Sau khi TP.Quảng Ngãi được mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết số 123/NQ-CP, ngày 12.12.2013 của Chính phủ, thành phố đã tập trung đầu tư, xây dựng các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Từ năm 2014 đến nay, thành phố đã tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng mới 13 trường học trên địa bàn, với tổng mức vốn đầu tư hơn 222 tỷ đồng từ nhiều nguồn vốn. Đặc biệt, trong 13 trường được xây mới trên địa bàn thành phố, thì số lượng trường mầm non đã là 11 trường.

Trên thế giới, người ta gọi giáo dục phổ thông từ mầm non tới hết THCS là “giáo dục nền”, với nguyên lý giáo dục “học mà chơi, chơi mà học”. Không ai đổi cái “tự chủ” của các cấp học nền này bằng “tự chủ tiền bạc” cả. Nhà nước và xã hội phải tập trung ngân sách, tập trung trí tuệ lo cho các cấp học nền này, chỉ vì một điều đơn giản: Đây là những cấp “học làm người”, nhằm khẳng định nhân cách cho người học, đưa những kiến thức về đời sống, về xã hội và về tự nhiên đầu tiên, nhưng chắc chắn cho học sinh, và đó cũng là những “kiến thức nền”, nhằm chuẩn bị cho các em tới những cấp học cao hơn, hoặc định hướng nghề nghiệp cho các em. Đúng ra, ở những cấp học nền này, học sinh được học miễn phí, trong những ngôi trường tốt nhất có thể.

Tôi đã có dịp đi thăm khoảng mười trường trong số 13 trường mới được xây dựng ở TP.Quảng Ngãi, đặc biệt là những trường mầm non, và tôi cảm thấy an lòng về cơ sở vật chất ở đây. Đó là những trường được xây dựng theo chuẩn “xanh-sạch-đẹp”, có đủ không gian và cơ sở vật chất cho trẻ em theo học ở đó cảm thấy thoải mái, vui vẻ. Dĩ nhiên, nếu ở các cấp học này chúng ta coi học sinh là trung tâm, thì các cô giáo (chủ yếu) và thầy giáo phải được coi là “trung tâm của trung tâm”. Các em học sinh còn nhỏ, thậm chí còn rất nhỏ khi theo học ở bậc mẫu giáo, vì vậy sự chăm sóc của các cô giáo đối với các em là vô cùng quan trọng.

Ở những trường mẫu giáo tư thục, tuy diện tích đất xây trường có eo hẹp hơn trường công, nhưng trường nào cũng cố gắng thu vén để các cháu có không gian sinh hoạt và học tập tương đối thoải mái nhất. Ở các trường công lập, thì thiết kế xây dựng khá phù hợp với lứa tuổi học sinh, đặc biệt là các nhà vệ sinh sạch sẽ và đầy đủ dụng cụ vệ sinh phù hợp.

Với những trường mẫu giáo công lập, học phí hằng tháng cho hình thức bán trú từ 700.000 đồng -800.000 đồng. Đây là mức thu rất vừa phải cho đa số gia đình, tuy vậy, việc xin cho con em vào học ở những trường này còn khó khăn, do số lượng thu nạp học sinh ở mỗi trường chỉ có hạn. Vì vậy, thành phố không thể dừng ở số lượng 13 trường xây mới, mà cần ưu tiên vốn để tiếp tục xây mới một số trường nữa. Số lượng trẻ em hằng năm ở thành phố tuy không tăng, nhưng cũng không giảm. Chưa kể, số lượng lao động nhập cư vào thành phố ngày càng tăng thêm.

Cũng nói thêm về lương của các cô giáo mầm non. Với công việc bận rộn và căng thẳng hằng ngày, khi mỗi cô giáo phải trông khoảng 30 cháu, thì mức lương hiện tại (khoảng 4 triệu tới 6 triệu đồng) là còn thấp. Rất mong Nhà nước cân đối lại mức lương dành cho bậc mầm non, để các cô giáo yên tâm làm việc, hết lòng vì các cháu.  
      

Thanh Thảo
 


.