Trải thảm đỏ đón người tài

05:10, 24/10/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhân câu chuyện ở huyện Yên Dũng (Bắc Giang), lãnh đạo huyện đã “đột phá chọn người tài” bằng việc chọn một giáo viên dạy toán có bằng thạc sĩ, nhưng con gia đình nghèo, không “dây mơ rễ má” lên làm phó phòng giáo dục huyện, một quyết định đã khiến chủ tịch huyện phải “kiểm điểm rút kinh nghiệm”, tôi có vài suy nghĩ.

Thứ nhất, chọn người làm việc là chọn năng lực người làm việc, không chọn theo “con ông cháu cha” hay “dây mơ rễ má” gì cả. Cũng không chọn theo xuất thân gia đình, người ấy con gia đình nghèo hay giàu, có liên quan tới quan chức hay không. Nếu người ấy chứng tỏ được năng lực thật sự, thì chọn.

Thứ hai, việc người được chọn là viên chức hay công chức, không quan trọng. Viên chức thì cũng thuộc đội ngũ cán bộ nhà nước.

Thứ ba, đừng bao giờ nghĩ người có bằng cấp là người tài. Người tài là phải có tài, chứ không phải có bằng cấp. Trong nhiều năm trước, chúng ta hay nói “trải thảm đỏ đón người tài” kèm theo các ưu đãi này khác, nhưng rồi cuối cùng, những người được “đi trên thảm đỏ” là những người có bằng cấp, thạc sĩ, tiến sĩ, chứ không hẳn là người tài.

Thứ tư, tại sao ở Việt Nam hiện nay rất khó chọn “người tài” dựa theo bằng cấp, vì một điều đơn giản, nước mình đang ở tình trạng “loạn bằng cấp” và “lạm phát cao bằng cấp”. Không thể so sánh nước mình với Châu Âu hay Mỹ về thang bậc bằng cấp được. Ở Mỹ, phải là người thật sự có năng lực cao, có phát minh sáng tạo được công nhận mới có khả năng làm nghiên cứu sinh, để lấy tấm bằng tiến sĩ. Còn ở ta thì không phải vậy. Điều này ai cũng biết, khỏi cần giải thích thêm.

Thứ năm, trở lại câu chuyện chọn phó phòng giáo dục huyện Yên Dũng. Người giáo viên được chọn đã tốt nghiệp với bằng khá ở khoa Toán - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đã từng dạy và bồi dưỡng được học sinh giỏi. Bằng chứng (chứ không phải bằng cấp) là dưới tay thầy, đã có một học sinh giỏi thi đại học Y Hà Nội đỗ với số điểm cao nhất tỉnh mùa thi ấy.

Như thế, xem ra, dù chưa phải “người tài” như xã hội quan niệm, nhưng người thầy giáo ấy chắc chắn là một thầy giáo giỏi. Chọn anh ta cho chức vụ phó phòng giáo dục huyện thì có gì quá đáng? Việc anh ta có vượt qua 20 thí sinh khác cũng là chuyện bình thường, vì anh ta có thành tích rõ ràng.

Và, cuối cùng, không cần phải “trải thảm đỏ đón người tài”. Chỉ cần có “cặp mắt xanh” biết nhìn ra người tài, và thực lòng trân quý họ, thì người tài sẽ tự về với mình, họ không đòi hỏi những điều kiện ưu đãi vật chất tiên quyết nào cả. Cái họ đòi hỏi, là môi trường làm việc.
                 

THANH THẢO
 


.