Sự sáp nhập cần thiết

03:10, 27/10/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Có thể nói, công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần đáng kể vào sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh; nâng cao tỷ lệ lao động đã qua đào tạo, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Đặc biệt là, từ nguồn lao động được đào tạo này đã giải được bài toán “khát nguồn lực lao động đã qua đào tạo” của các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được đó, thì hoạt động đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, cần phải tập trung xử lý có hiệu quả nếu như muốn công tác đào tạo nghề đạt được mục tiêu đã đề ra. Đó là, do chúng ta muốn trong một giai đoạn ngắn mà đào tạo được một số lượng lớn lao động để đáp ứng quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế, nên đã cho ra đời quá nhiều cơ sở đào tạo nghề theo kiểu để phổ cập nghề cho lao động. Thực tế đó đã dẫn đến phình bộ máy, đội ngũ giáo viên thì nơi thừa, nơi thiếu; cá biệt có cơ sở mở đào tạo những nghề mà đơn vị không có giáo viên, nhằm “tiêu hết tiền” mà ngân sách đã cấp hằng năm...

Không chỉ có vậy, nhiều cơ sở vật chất, trang thiết bị được ngân sách đầu tư hàng tỷ đồng, nhưng lại không phát huy hết công năng, gây lãng phí nghiêm trọng, trong khi nguồn kinh phí đầu tư công ngày càng thu hẹp; nhiều công trình, dự án trọng điểm cần vốn lại không có kinh phí. Đồng thời, việc ra đời quá nhiều cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh, chắc chắn sẽ dẫn đến “chồng chéo” chức năng, nhiệm vụ; cạnh tranh không lành mạnh trong quá trình tìm nguồn tuyển sinh... Thực trạng đó, chắn chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo nghề và nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển kinh tế của tỉnh, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Do đó, việc tỉnh quyết định sáp nhập Trường Trung cấp nghề Đức Phổ và Trung tâm Đào tạo và Cung ứng nguồn lao động Dung Quất vào Trường Trung cấp Nghề tỉnh Quảng Ngãi là cần thiết, phù hợp với xu thế phát triển hiện nay. Việc sáp nhập này sẽ góp phần tinh gọn bộ máy quản lý đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh, tinh giản được biên chế, nâng cao năng lực và hiệu quả công tác đào tạo nghề. Từ đó sẽ tiết kiệm đáng kể nguồn ngân sách đầu tư trong lĩnh vực đào tạo nghề; khai thác có hiệu quả công năng các cơ sở vật chất, trang thiết bị đã đầu tư và nguồn nhân lực giáo viên đã được tuyển dụng, đào tạo.

Tuy nhiên, để bộ máy Trường Trung cấp Nghề Quảng Ngãi sau khi sáp nhập vận hành có hiệu quả, người đứng đầu nhà trường phải có một tầm nhìn chiến lược về việc đào tạo nghề trong giai đoạn mới. Đi đôi với việc dạy lý thuyết còn phải chú trọng đến công tác thực hành của học viên để khi doanh nghiệp tuyển dụng không phải đào tạo lại. Cùng với đó là nhanh chóng ổn định tâm lý, tư tưởng cho cán bộ, viên chức, người lao động ở những cơ sở buộc phải sáp nhập, vì một khi tư tưởng đã thông thì hiệu quả trong thực thi nhiệm vụ được giao chắc chắn sẽ được nâng lên. Thực hiện tốt điều này, sẽ tạo nên thương hiệu lớn cho nhà trường, tạo niềm tin cho người học và đơn vị sử dụng lao động. Qua đó góp phần thúc đẩy phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo nghề, đóng góp vào sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.  

PHÚ ĐỨC
 


.