Nhà báo và lũ

02:10, 23/10/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Ở những trường đào tạo báo chí của Việt Nam hiện nay, có lẽ người ta không dạy cho các nhà báo tương lai rằng, khi tác nghiệp trong bão lũ, họ cần phải làm gì để bảo vệ mình. Vì vậy, nhà báo nào được gọi là “có kinh nghiệm” tác nghiệp trong bão lũ là do chính họ tích lũy qua những lần đi thực tế mà có.

Những anh em phóng viên ở các tỉnh miền Trung được coi như những người lính “dạn dày trận mạc”, vì hầu như năm nào họ cũng phải lăn lưng ra để viết về bão lũ. Ấy thế mà, mấy chục năm qua, chưa có nhà báo nào ở miền Trung tử nạn vì bão lũ.

Có phải vì các nhà báo ở miền Trung may mắn, hay họ nhờ vào phản xạ tự vệ có tính bản năng của những người được sinh ra ở vùng đất mà thiên tai như một phần trong cuộc sống của họ? Có thể nhờ vào cả hai yếu tố trên, song có điều này, tất cả các nhà báo ở miền Trung đều phải thừa nhận, đó là tính kỷ luật trong tác nghiệp khi có bão lũ.

Tính kỷ luật này được lớp đàn anh “cầm tay chỉ việc” cho đàn em, chứ không phải học ở trường lớp. Người đi trước dạy cho người đi sau, hết lớp tới lớp, nên chuyện rủi ro dẫn đến thiệt mạng khi tác nghiệp trong bão lũ là rất khó xảy ra.

Còn nhớ mùa mưa cách đây khoảng trên 20 năm, lúc bấy giờ huyện Sơn Tây mới thành lập, đường đến huyện này rất khó khăn. Sau nhiều giờ đi bằng đủ loại phương tiện, chúng tôi có mặt tại huyện lỵ vùng cao này.

Ông Vũ Tiến Mạnh, Phó Chủ tịch huyện lúc bấy giờ lấy làm “cảm kích” cho sự lăn xả của nhóm phóng viên chúng tôi khi phải băng trong lũ dữ để ghi hình. Ông tha thiết mời anh em nhà báo ở lại một đêm trên huyện. Lời mời chân tình, lại vừa trải qua gần một ngày băng rừng trong mưa gió, thật hấp dẫn với chúng tôi.

Tuy nhiên, trông trời trông đất một hồi, chúng tôi quyết định “hạ sơn”. Quả nhiên, đêm đó mưa gió tơi bời, nước lũ cắt hết mọi lối về. Tuyến Sơn Hà đi Sơn Tây bị lở nhiều đoạn, trong đó có điểm sạt lở vùi lấp cả gần chục mạng người vì kẹt lũ phải ngủ qua đêm trong lán trại làm đường. Có lẽ linh cảm của những nhà báo vẫn thường đối mặt với thiên tai đã mách bảo cho chúng tôi không nên ở lại, chứ nếu “vâng lời” ông phó chủ tịch huyện, không biết chuyện gì sẽ xảy ra.

Suốt mấy chục năm tác nghiệp, mưa lũ đã “dạy” cho chúng tôi-những nhà báo ở miền Trung rằng, chỉ cần nhìn con nước dưới lòng sông là sẽ “đọc” được mức độ nguy hiểm của nó tới đâu trong vài ba chục phút nữa. 

Còn làm báo là còn phải đối mặt với những rủi ro. Say nghề là điều cần thiết, nhưng chớ nên trả giá bằng mạng sống của mình. Thiên tai, bão lũ ở miền Trung đã dạy cho các nhà báo chúng tôi bài học như thế.
 

TRẦN ĐĂNG
 
 


.