Chưa giàu đã già

08:10, 14/10/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong khi nhiều nước mất hàng thập kỷ, thậm chí là thế kỷ mới bước vào giai đoạn dân số già, thì Việt Nam chỉ mất 16-18 năm. Từ năm 2011, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn dân số già. "Dự báo thời gian chuyển sang giai đoạn dân số già của nước ta thuộc hàng ngắn nhất thế giới, trong khi cả xã hội chưa kịp thích ứng với sự biến đổi nhân khẩu học nhanh chóng này”, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình Dương Quốc Trọng, cho biết.

TIN LIÊN QUAN


Các chỉ số về tình trạng người già ở nước ta cho thấy về sức khỏe và đời sống, người già ở Việt Nam bị bệnh tật, đau yếu và mức sống rất thấp. Khoảng 70% người cao tuổi vẫn phải làm việc kiếm sống.

Dĩ nhiên, người Việt Nam vốn cần cù, siêng năng, kể cả khi đã già, nhưng nhiều công việc mà người già ở những gia đình nghèo đang làm là nặng nề quá sức họ. Sự già hóa dân số ở Việt Nam là đáng báo động. Theo cách nói của các nhà chuyên môn, thì dân Việt mình hiện nay “chưa giàu đã già”. Giàu thì ai cũng muốn, già thì chẳng ai thích. Nếu phấn đấu lên giàu khó khăn bao nhiêu, thì “phấn đấu” để trẻ lại còn khó khăn bội phần.

Chính vì thế, tại Hội nghị Trung ương 6 lần này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu quan điểm: Phải chăng trong thời gian tới, nước ta cần chuyển trọng tâm từ chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình sang dân số và phát triển? Nội hàm cụ thể của các khái niệm đó là gì? Ý nghĩa thực tiễn của nó ra sao? Tập trung phân tích những căn cứ và sự cần thiết, đúng đắn của việc chuyển trọng tâm từ giảm tăng dân số thông qua việc thực hiện triệt để, đồng loạt chính sách mỗi cặp vợ chồng chỉ có 2 con sang kiểm soát quy mô, nâng cao chất lượng dân số bằng chính sách duy trì mức sinh thay thế.


Đúng là nếu dân số già đi tới một mức nào đó, GDP của quốc gia sẽ giảm. Đơn giản, vì sức lao động và chất lượng lao động đều giảm. Dù đang có 70% người già phải lao động kiếm sống, nhưng chất lượng lao động của người già là rất thấp. Cũng đơn giản, vì họ đã già, nên rất khó tiếp thu những kỹ năng lao động mới. Kinh nghiệm thì có, nhưng hàm lượng chất xám trong lao động sẽ giảm rất đáng kể.

Vì lẽ đó, không thể tiếp tục chính sách hạn chế sinh suất như cũ, cũng không thể cào bằng chính sách này cho mọi vùng miền trong cả nước. Có một thực tế rất đáng lo ngại, là ở những thành phố lớn, nơi chất lượng sống cao hơn, thì tỷ lệ sinh lại giảm quá nhiều, trong khi ở những vùng khó khăn như miền núi, miền biển, tỷ lệ sinh lại đang duy trì ở mức cao. Đó cũng là nguyên nhân dẫn tới hố sâu phân biệt giàu nghèo giữa các vùng miền ngày càng sâu hơn, và những vùng nghèo ngày càng khốn khổ hơn, trong khi chính sách an sinh xã hội lại chưa cân bằng được ở một mức độ sự chênh lệch giàu nghèo.

Chuyển sang chính sách dân số và phát triển, nghĩa là phải đặt mục tiêu phát triển lên cao, và phải tối ưu hóa tỷ lệ sinh con, không cào bằng tỷ lệ này giữa các vùng phát triển khác nhau. Những nơi có chất lượng sống tốt hơn, thì nên sinh con nhiều hơn, còn những nơi còn khó khăn, thì nên tiết giảm, để duy trì được mức bình quân 2 con/một gia đình trong cả nước.

Đó là việc rất khó làm trong thực tế, nhưng phải làm, nếu không muốn Việt Nam phải sống trong cảnh già hóa dân số ở một tương lai rất gần.   

THANH THẢO
 


.