Chạy việc

02:10, 05/10/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Việc gì mà phải “chạy”? Đó là việc làm, nói rõ ra là “chạy” để được vào biên chế Nhà nước. Gần như tỉnh nào cũng có đội quân chuyên “chạy việc” này. Cứ dăm bữa nửa tháng, tòa án của một tỉnh nào đó lại mở phiên tòa xét xử các nhân vật liên quan đến chạy việc. Nhẹ thì bị cáo phải gỡ vài ba lốc lịch, nặng thì ngồi tù 9-10 năm, tùy thuộc vào mức độ lừa đảo và số tiền chiếm dụng.

Chung quanh câu chuyện chạy việc cũng muôn hình vạn trạng. Kẻ thì hứa sẽ “chạy” để con em của người đi xin được vô trường công an hoặc quân đội, người thì “đảm bảo” sẽ chạy được biên chế vào ngành giáo dục, lại có kẻ hứa sẽ đưa người ra tận Hà Nội để nhận việc, nhưng sau đó bán sang Trung Quốc... Những lời hứa chẳng có một cơ sở khả tín nào, ấy thế nhưng người cần việc vẫn móc tiền ra trao cho kẻ “chạy việc”.

Mới đây, một phụ nữ đang công tác tại một cơ quan nhà nước ở Quảng Ngãi, xưng mình có nhiều mối quan hệ với cấp trên, dễ dàng lo việc nếu ai đó nhờ. Thế là 33 người trong tỉnh lao vào “nhờ” người phụ nữ này xin việc cho con em họ. Tùy theo chỗ làm mà “giá” của mỗi công việc có khác nhau. Tổng cộng 33 người kể trên đã đưa cho người phụ nữ “chạy việc” này đến 5,3 tỷ đồng. Tính bình quân ra, mỗi “việc” phải tốn khoảng 160 triệu đồng.

Một câu hỏi rất khó trả lời, đó là vì sao lương của một kỹ sư mới ra trường, tròm trèm 3 triệu đồng một tháng, ấy vậy mà người ta vẫn bỏ ra 160 triệu đồng như trường hợp kể trên, để cho “có việc”? Lương ba cọc ba đồng như thế, liệu biết đến bao giờ mới lấy được số tiền đã bỏ ra đây? Đem đặt lên bàn cân để tính toán lợi hại, chắc hẳn là không một “nhà buôn” nào dám đánh đổi để nhận phần thiệt về mình như thế cả.

Có lẽ cũng đã có người chạy được việc trót lọt, nên mới có chuyện cò mồi xin việc như vậy. Nắm bắt tâm lý “xin là có việc”, nên mới có đội quân “cò” như đã nói ở trên. Điều bi kịch là, đa số những người đi xin việc theo đường dây “chạy việc” này đều rơi vào tình cảnh tiền mất tật mang. Đám cò mồi chạy việc, khi đã lấy được tiền rồi, hoặc là cao chạy xa bay, hoặc là chây ỳ ra đó, luật pháp làm gì thì làm.

Để xóa bỏ hẳn tình trạng “cò” chạy việc này, giải pháp duy nhất là các cơ quan tuyển dụng cần phải công khai mọi thông tin lên các phương tiện truyền thông và tiến hành tuyển chọn thật khách quan, để tất cả mọi người đều có cơ hội như nhau. Ai xứng đáng hơn thì được, ai kém hơn thì cần rèn luyện phấn đấu thêm. Có như vậy mới vừa dẹp được nạn cò mồi xin việc, vừa tuyển dụng được người tài.

TRẦN ĐĂNG
 


.