Đề xuất xây dựng 6 mô hình sinh kế bền vững ở miền núi

04:09, 12/09/2017
.

(Baoquangngai.vn) - Sáng 12.9, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng chủ trì cuộc họp với các Sở, ngành liên quan và các huyện miền núi để nghe và cho ý kiến về nhân rộng một số mô hình sản xuất nông, lâm, thủy sản tại các huyện miền núi. Tham dự cuộc họp có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Văn Minh.

TIN LIÊN QUAN

Trong giai đoạn 2011 - 2016, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai thực hiện 14 loại mô hình tại các huyện miền núi, tổng vốn đầu tư ước trên 3 tỷ đồng. Một số mô hình đã đem lại kết quả khả quan, đã tạo điều kiện cho người dân tiếp cận và thay đổi nhận thức, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
 
Điển hình như mô hình cải tiến kỹ thuật sản xuất lúa ở miền núi năng suất đạt từ 55 - 60 tạ/ha, tăng so với sản xuất đại trà cùng điều kiện từ 10-20 tạ/ha; chuyển đổi cây trồng vụ hè thu trên chân đất không chủ động nước tưới bằng lạc, ngô, hiệu quả kinh tế tăng lên so với sản xuất lúa.
 
 
Mô hình trồng cây mắc ca đang tiếp tục thử nghiệm tại huyện Sơn Tây.
Mô hình trồng cây mắc ca đang tiếp tục thử nghiệm tại huyện Sơn Tây.
 
Mô hình chuyển đổi đất sản xuất các cây trồng kém hiệu quả sang trồng cỏ nuôi bò cái lai Zêbu; mô hình trồng rừng hỗn giao lim xanh với cây keo, trồng cây sa nhân dưới tán rừng; cá nước ngọt; xử lý chất thải chăn nuôi bằng hầm biogas…
 
Tuy nhiên, còn nhiều mô hình không thể nhân rộng vì trình độ hiểu biết về khoa học kỹ thuật của người dân còn hạn chế, điều kiện đi lại khó khăn; vốn đầu tư vẫn chưa đáp ứng nhu cầu khuyến nông theo hướng sản xuất hàng hóa.
 
Chưa xây dựng được mô hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; một bộ phận người dân ỷ lại không nhiệt tình tham gia. Bên cạnh đó, nhiều địa phương thiếu quan tâm bố trí kinh phí cho khuyến nông…
 
Từ thực tế và phân tích, đánh giá, Sở NN - PTNT đề xuất xây dựng 6 mô hình sinh kế bền vững như: chuyển hóa một phần diện tích rừng trồng sang rừng gỗ lớn, trồng thâm canh rừng nguyên liệu bằng keo lai hom và keo lai nuôi cấy mô; chăn nuôi trâu, bò thịt tập trung hàng hóa; chăn nuôi các loại heo bản địa; thành lập các tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ hàng hóa nông sản.
 
 
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.
 
Bên cạnh đó, xây dựng 6 mô hình trình diễn kỹ thuật; tiếp tục nhân rộng các mô hình khuyến nông có hiệu quả và tiếp tục thử nghiệm, theo dõi, đánh giá kết quả như cây mít Thái, cây bơ; cây sa nhân dưới tán rừng.
 
Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng yêu cầu Sở NN&PTNT tham mưu để điều chỉnh quy hoạch cây con, kể cả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp phù hợp với thực tế. 
 
Thay đổi hình thức hỗ trợ, từ đơn lẻ sang nhóm hộ, tìm những người nòng cốt dẫn đầu các nhóm hộ, hướng dẫn các thành viên trong nhóm cùng hợp tác sản xuất, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào miền núi. 
 
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các huyện có cơ chế lồng ghép các nguồn vốn, tăng cường hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân; điều chỉnh Đề án tái cơ cấu sao cho đúng hướng. Đồng thời chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là ở cấp xã, để toàn dân cùng tham gia.
 
 
Tin, ảnh: A.KIỀU
 
 

.