Bộ Y tế đề xuất nâng bậc lương khởi điểm cho bác sĩ

09:09, 29/09/2017
.

 Tiếp tục phiên họp toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, chiều 29/9, Ủy ban đã thảo luận việc giám sát tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh thuộc trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Y tế; kết quả thực hiện lời hứa về các nội dung chất vấn liên quan đến trách nhiệm quản lý của Bộ trưởng Bộ Y tế…
 

 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Ảnh: VGP/Lê Sơn
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Ảnh: VGP/Lê Sơn
Thảo luận về giám sát tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh thuộc trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Y tế, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (tỉnh Quảng Bình) cho rằng, Bộ Y tế cần đề xuất ban hành các văn bản điều chỉnh lại các quy định, chế độ cho cán bộ, nhân viên thuộc ngành y tế.
 
Theo đại biểu, hiện nay, nhiều chế độ đãi ngộ trong ngành y tế còn thấp. Bộ cần kiến nghị với Chính phủ cho điều chỉnh để kịp nhằm thời động viên, khích lệ tinh thần làm việc của đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành y tế, đặc biệt là y tế cơ sở.
 
Ngoài ra, đối với ngành y tế, do đặc thù, thời gian đào tạo bậc đại học kéo dài khiến quá trình công tác của các bác sĩ bị ngắn lại. Từ đó, đại biểu Phương đề nghị Bộ Y tế phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nghiên cứu đề xuất để Quốc hội điều chỉnh, bảo đảm công bằng, giúp đội ngũ người làm việc trong ngành y tế yên tâm công tác.
 
Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, để trở thành một bác sĩ thì phải học 6 năm, rồi theo quy định phải học thêm 1 năm chuyên ngành nữa. Đấy là chưa kể đến việc phải học thêm chuyên khoa một đến hai năm nữa thì mới bắt đầu hành nghề. Trong khi đó, ở các lĩnh vực khác chỉ cần học 4 năm, nhưng ra trường làm việc thì tính lương như bác sĩ. Ngoài ra, một mâu thuẫn nữa là tuổi nghỉ hưu. Nếu yêu cầu phải đóng bảo hiểm 25 năm thì có những bác sĩ không đủ thời gian để đóng bảo hiểm.
 
Trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, Bộ đã nhìn ra những bất cập này từ lâu và đề xuất để cho điều chỉnh thang bậc lương khởi điểm cho bác sĩ theo hướng tăng lên.
 
Báo cáo trước các thành viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội việc thực hiện lời hứa về nội dung chất vấn liên quan đến trách nhiệm quản lý ngành của mình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh kết quả xử lý liên quan đến việc cán bộ trong ngành lợi dụng cơ chế để trục lợi Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT).
 
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói: Bức xúc nhất là cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan nhằm khắc phục tình trạng lạm dụng sử dụng dịch vụ để trục lợi Quỹ BHYT. Về phía lãnh đạo, chúng tôi rất thống nhất quan điểm là gỡ khó cho các cơ sở khám chữa bệnh nhưng vẫn phải bảo đảm Quỹ chứ không thì có nguy cơ trong tương lai. Về nguyên tắc thì đây là quỹ ngắn hạn và người đóng phải được hưởng. Ở các nước, báo cáo cuối năm không bao giờ có kết dư cả. Có kết dư thì điều đó nghĩa là người dân chưa được hưởng và dịch vụ y tế của chưa tiếp cận được người dân. “Chúng ta phải khắc phục tình trạng này”, Bộ trưởng Bộ Y tế nói.
 
Tại phiên họp, các đại biểu đã cho ý kiến thẩm tra tình hình thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017 và dự kiến kế hoạch, dự toán năm 2018; dự kiến kế hoạch tài chính-ngân sách Nhà nước 3 năm 2018-2020 thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Y tế. Đồng thời nghe đại diện Bộ Y tế giải trình một số nội dung liên quan đến giải ngân thực hiện các chỉ tiêu y tế cơ bản.
 
Theo đó, ước thực hiện ngân sách Nhà nước toàn ngành trong 9 tháng năm 2017 vào khoảng trên 97.000 tỷ đồng. Mục tiêu chung của ngành y tế trong năm 2018 là giảm tỉ lệ mắc và tử vong do bệnh, dịch bệnh, góp phần tăng tuổi thọ, nâng cao các chỉ số sức khỏe cơn bản cho người dân.
 
Lê Sơn/chinhphu.vn

.