Thí sinh đã thực tế hơn

04:08, 13/08/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Năm nay, số trường đại học có tỷ lệ thí sinh xác nhận nhập học dưới 50% lên tới hàng chục, trong đó không chỉ các trường ngoài công lập mà còn có rất nhiều trường công lập. Không ít trường đã vội vã thông báo tiếp tục xét tuyển nguyện vọng bổ sung ngay trong ngày 7.8. Điều đáng ngạc nhiên, là có trường đại học thuộc hàng “top” hẳn hoi vẫn có hàng trăm thí sinh trúng tuyển không xác nhận nhập học. Có rất nhiều lý do cho quyết định “không nhập học” này, trong đó có lý do năm nay có hình thức xét tuyển từ học bạ, nên thí sinh quyết định chọn trường ở gần nhà mình và học phí thấp, để theo học.

TIN LIÊN QUAN


Một phó trưởng phòng đào tạo ở một trường đại học  ở TP.HCM nói: “Hiện nay các bạn trẻ có rất nhiều lựa chọn sau khi tốt nghiệp THPT. Nhiều bạn chọn hướng du học, cũng có thí sinh cho biết do điều kiện gia đình, nên quyết định không học đại học, chuyển sang học nghề, để sớm ra trường có việc làm. Ngoài ra, một số bạn trong quá trình đợi kết quả xét tuyển đã đi làm, và quyết định đi làm trước rồi học sau”.

Như thế, có thể thấy, thí sinh năm nay đã có cái nhìn và quyết định thực tế hơn cho việc học lên đại học của mình. Ngoài chuyện thí sinh đổ xô vào thi nguyện vọng 1 các trường công an và quân đội với khả năng đỗ rất thấp (vì những trường này có điểm chuẩn rất cao), thì nhiều thí sinh khác đã chọn học cao đẳng, thay vì học đại học, hoặc đi làm trước rồi sẽ học sau, theo kiểu lựa chọn khá phổ biến ở các nước phát triển.

Dù học ở trường nào, thì quan trọng nhất, là ngành học ấy có phù hợp với mình hay không, mình có yêu thích nó hay không. Và học cũng để cuối cùng đi làm, vậy thì, chọn công việc làm quan trọng hơn là chọn trường học. Có những trường dạy nghề, trường cao đẳng, nhưng “đầu ra” khá chuẩn, sau khi tốt nghiệp dễ kiếm được việc làm, thậm chí dễ có điều kiện khởi nghiệp, thì vẫn được thí sinh hôm nay ưa chuộng. Có một điều nữa là, thí sinh bây giờ có thông tin về các trường đại học khá sâu, nên trường nào chỉ nhiều “danh” mà ít “thực”, thì thí sinh không chọn. Ngược lại, họ chọn những trường họ đã có thông tin khá kỹ về chất lượng đào tạo. Đó là điều rất đáng mừng, so với những năm trước.

Khi thí sinh đã có thông tin xác thực về những trường mình có ý định chọn học, thì chuyện tổ chức những kỳ giới thiệu quảng cáo tuyển sinh xem ra không còn được “mặn” nữa. Thí sinh sẽ tìm hiểu lớp sinh viên đã và đang theo học để biết thực chất đào tạo của trường ấy thế nào, sau đó sẽ có quyết định lựa chọn. Việc Bộ GD&ĐT mở thêm “kênh” xét học bạ đã giúp thí sinh dễ dàng hơn khi chọn trường và hướng họ tới những trường địa phương, nhưng có chất lượng đào tạo tốt.

Cách nhìn thực tế của thí sinh từ mùa này sẽ giúp các trường đại học nhận ra điều gì là quan trọng nhất có thể thu hút thí sinh vào trường mình. Đó chính là chất lượng đào tạo, là “đầu ra” có “sáng” không ở những trường này. Dù là đào tạo ở cấp đại học, thì cũng phải đặt mục tiêu đào tạo nghề lên trên, chứ không thể dạy mù mờ về lý thuyết trong khi sinh viên khi tốt nghiệp không có một kỹ năng cụ thể, một nghề nghiệp chắc thiệt nào trong tay.

 THANH THẢO
 


.