Cần tăng lương tối thiểu cho công nhân

02:07, 01/07/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đúng là chủ doanh nghiệp nào, dù là trong nước hay nước ngoài tại Việt Nam đều rất ngại ngần khi nói đến chuyện tăng lương tối thiểu cho công nhân. Lý do chính cho sự “ngại ngần” này là từ xuất phát điểm, “lao động giá rẻ” đã là một điểm mời gọi “hấp dẫn” của Việt Nam cho các nhà đầu tư.

Nói năng suất lao động ở Việt Nam thấp, điều đó đúng, nhưng đừng quên một điều, là lương của người lao động (NLĐ) Việt Nam hiện tại là quá thấp. Khi so sánh năng suất lao động, thì cần so sánh thu nhập (chủ yếu là lương) của NLĐ.

Lợi thế lao động giá rẻ có thể là lợi thế của chủ doanh nghiệp hay xí nghiệp vào một thời gian nào đó, chứ không hề là “lợi thế” của NLĐ. Sở dĩ, NLĐ phải chấp nhận mức lương bèo bọt, chẳng qua vì họ không có lựa chọn nào khác.

Xin được việc làm là một chuyện khó khăn, vì thế, sức ép sợ mất việc khiến NLĐ không dám đòi hỏi về lương, mà chấp nhận giữ việc làm với mức lương thấp. Nhưng khi mức “đầu tư” cho cuộc sống, cho sức khỏe NLĐ thấp đến như vậy, thì không thể đòi hỏi NLĐ phải có năng suất cao trong công việc.

Tôi đã theo dõi năng suất lao động và sáng kiến trong công việc ở Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, và tôi không ngạc nhiên khi kỹ sư, công nhân ở đây làm việc với năng suất và chất lượng cao, đồng thời có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật làm lợi hàng triệu USD cho nhà máy.

Đơn giản, vì thu nhập (lương và thưởng) của công nhân ở Nhà máy Lọc dầu Dung Quất khá cao, nhất là khi so với những nhà máy hay xí nghiệp khác trong tỉnh (và cả trong nước). Người ta hay nói “tiền nào của ấy” thật không sai.

Vì thế, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam luôn đấu tranh yêu cầu phải tăng lương tối thiểu cho NLĐ tới mức đủ sống. Chúng ta phải hiểu, mức lương "đủ sống” ở đây không hề là mức lương cao, vì khái niệm “đủ sống” cũng chỉ là khái niệm chỉ về sự tối thiểu. Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính nêu quan điểm: "Tổng LĐLĐ Việt Nam khi đưa ra con số để tăng lương tối thiểu cũng phải dựa vào các cơ sở khoa học.

Cuộc sống của NLĐ như thế nào? Họ có đủ sống để làm việc không? Quan điểm nhất quán của Tổng LĐLĐ Việt Nam là không phải bảo vệ tối đa quyền lợi cho NLĐ, nhưng việc tăng lương tối thiểu phải làm sao đảm bảo yếu tố ít nhất người ta đủ sống đã chứ. Hiện nay, người ta đã đủ sống đâu.

Do đó, hiện nay yêu cầu trước hết là phải tuân thủ pháp luật đã. Điều chỉnh hiện nay là đang điều chỉnh kép, tức là vừa điều chỉnh để cho NLĐ đủ sống, vừa điều chỉnh theo mức trượt giá. Còn khi điều chỉnh đủ sống rồi, thì chỉ cần điều chỉnh trượt giá".

Đó là một quan điểm đúng đắn nhằm bảo vệ NLĐ. Khi mà “giới chủ cho rằng, mức lương tối thiểu hiện nay đang tăng quá cao, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Trong khi đó, bên đại diện cho NLĐ lại cho rằng, mức lương tối thiểu hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu”.

Chính trong cuộc đấu tranh quan điểm ấy, NLĐ, giai cấp công nhân mới thấy được vai trò của công đoàn là tổ chức bảo vệ quyền lợi của NLĐ. Cuộc đấu tranh này sẽ còn dai dẳng, nhưng một khi công đoàn đã quyết tâm đứng về phía NLĐ, vì quyền sống tối thiểu của NLĐ, thì không chỉ lương tối thiểu của NLĐ được tăng, mà ý thức của NLĐ cũng sẽ tăng lên rất nhiều.
 

THANH THẢO
 


.