Nhà báo làm từ thiện

06:06, 21/06/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong suy nghĩ của nhiều người, nhiệm vụ của nhà báo là đưa tin, viết bài. Hay nói cách khác, nhà báo là người mang đến cho độc giả những thông tin nhanh nhất, hay nhất và cũng trung thực nhất. Thậm chí, không ít người, khi nói đến hai từ “nhà báo” là phải được gắn liền với việc chống tiêu cực. Nghĩ về nhà báo như vậy không sai, nhưng chưa đầy đủ. Nhà báo còn làm những việc mà nhiều khi, bạn đọc đã không kịp đưa vào bộ nhớ của mình. Đó là làm từ thiện.

Việc làm từ thiện của nhà báo ở hai dạng. Dạng phổ biến nhất là mỗi tờ báo có một ban, gọi là “Ban bạn đọc”, nơi tiếp nhận những thắc mắc của độc giả về những việc “vô lý” diễn ra quanh mình hằng ngày để kịp thời phản ánh lên báo. Ban bạn đọc cũng là nơi tiếp nhận tiền bạc, vật chất từ những tấm lòng hảo tâm của bạn đọc để giúp cho một người hoặc một cộng đồng đang gặp khó. Dạng thứ hai là tự thân các nhà báo hình thành một nhóm thiện nguyện, để giúp đỡ những cảnh đời khốn khó. Cũng có khi một mình nhà báo lặng lẽ làm từ thiện mà không cần lấy danh bằng những “ồn ào” nặng tính quảng bá.

Ở dạng thứ nhất, chắc được rất nhiều người biết. Có những cơ quan báo xem việc làm từ thiện như một nghĩa vụ và trách nhiệm của mình đối với bạn đọc và với cộng đồng. Các chương trình “Quỹ tấm lòng vàng”, rồi “Lục lạc vàng”, “Xây nhà cho ngư dân”, “Quỹ học bổng Nguyễn Thái Bình”... đã được các báo triển khai sâu rộng hàng chục năm nay với rất nhiều ý nghĩa thiết thực.

Dạng làm từ thiện theo nhóm, dù không lớn, nhưng ý nghĩa của từng việc làm thì không hề nhỏ. Chính việc làm của các nhà báo “tự nguyện” ấy, có khi đã làm thay đổi một số phận. Nhưng cái chính là, qua việc làm tự nguyện của mình, các nhà báo đã gửi đến bạn đọc một thông điệp rằng, nhà báo không chỉ biết phản ánh những gì diễn ra quanh mình, nhà báo không chỉ biết “chống tiêu cực” mà họ còn làm cả những việc thiện nữa.

Chương trình “Cơm có thịt” cho trẻ em vùng cao Tây Bắc do nhà báo Trần Đăng Tuấn, nguyên Phó Tổng Giám đốc VTV cùng nhóm bạn của ông đã mang lại cho trẻ em vùng cao Tây Bắc không những “có thịt” trong mỗi bữa ăn hằng ngày, mà còn có cả áo ấm và trường học mới nữa. Còn một nhóm các nhà báo ở Quảng Ngãi thì có chương trình “Ly cà phê 50 ngàn” cũng khá ấn tượng. Họ hẹn nhau tại một quán cà phê vào mỗi thứ bảy nào đó trong tháng để gặp gỡ và... uống cà phê. Giá của một ly cà phê là 50 ngàn, số tiền “lời” từ ly cà phê ấy sẽ được trích ra giúp cho một cảnh đời khó khăn nào đó. Chương trình không chỉ có các nhà báo hưởng ứng mà được rất nhiều tầng lớp tham gia, có cả các đồng chí lãnh đạo tỉnh cũng uống cà phê cùng các nhà báo, để ủng hộ chương trình.

Có muôn hình vạn trạng trong việc làm từ thiện của các nhà báo mà không thể kể hết ở đây. Thế nhưng, nhân ngày nhà báo, những người làm báo lại muốn gửi đến độc giả của mình lòng biết ơn vì chính các bạn đã đồng hành cùng chúng tôi trên con đường đầy nhọc nhằn mỗi ngày này. Làm từ thiện, với nhà báo, cũng là một cách tri ân bạn đọc vậy.
 

TRẦN ĐĂNG
 


.