Hoạt động trải nghiệm sáng tạo

09:06, 02/06/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đưa “hoạt động trải nghiệm sáng tạo” là môn học bắt buộc, được thực hiện xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12 trong nhà trường.

Trước hết, phải nói ngay, “hoạt động trải nghiệm sáng tạo” phải khác hẳn về chất so với “hoạt động ngoài giờ lên lớp” vẫn đang được áp dụng hiện nay tại các cấp học phổ thông. Nếu hoạt động ngoài giờ lên lớp vẫn như một hoạt động ngoại khóa, nhằm bổ sung cho giờ học chính khóa, thì hoạt động trải nghiệm sáng tạo lại có tham vọng dắt dẫn học sinh từ những lớp học cấp 1 làm quen một cách thích thú với những ý tưởng mang tính mới mẻ (chưa dám nói sáng tạo) có thể chưa xuất hiện trong các bài học trên lớp.

Làm quen với những ý tưởng mới mẻ, tìm cách (dưới sự hướng dẫn của giáo viên) biến những ý tưởng ấy thành hiện thực, như vậy là học sinh đã xuất sắc vượt qua “hoạt động trải nghiệm sáng tạo” ở chính lớp học của mình. Chương trình này, vì thế, mang tính chính khóa rất rõ, dù nó được thực hiện một cách linh hoạt, thoải mái, gợi mở và hoàn toàn không mang tính rập khuôn.

Tôi nghĩ, bản thân chương trình này rất hay, nhưng cách thực hiện nó thì không hề dễ dàng, vì từ trước nay nó còn khá xa lạ với chương trình học ở các bậc học phổ thông. Nhưng nếu không được làm quen với những hoạt động sáng tạo, từ dễ đến khó, từ nhỏ đến lớn, từ hoạt động cá nhân tới hoạt động nhóm, thì học sinh sẽ hết sức lạ lẫm khi nghe tới môn học này ở bậc đại học.

Trong việc cải tiến chương trình giáo dục phổ thông ở nước ta, theo tôi nghĩ, đây là chương trình có vẻ dễ thực hiện, nhưng sẽ khó thành công nhất. Vì nếu thực hiện một cách hình thức, rập khuôn, phi sáng tạo là cách thực hiện dễ dàng lâu nay, thì sẽ phá bỏ phần cốt lõi của chương trình này là trải nghiệm hoạt động sáng tạo.

Còn nếu thực hiện được đúng mục đích của chương trình, thì sẽ vô cùng tốt cho cả học sinh và giáo viên, nhưng trong thực tế, nó sẽ đặt cho giáo viên một nhiệm vụ nhiều khi quá sức họ. Vì ai cũng biết, sáng tạo là một hoạt động nhìn bên ngoài có vẻ dễ dàng, nhưng thực ra, nó là hoạt động khó khăn nhất, vì nó huy động được những tố chất ưu việt nhất của con người, ở đây là giáo viên và học sinh.

Không hiểu những người thiết kế chương trình đã nghĩ tới khó khăn này chưa, khi có ý tưởng và quyết tâm biến mỗi học sinh thành một chủ thể sáng tạo? Nền giáo dục phổ thông của chúng ta sẽ hết sức thành công, nếu nó thành công trong việc biến mỗi học sinh thành một chủ thể sáng tạo, từ sáng tạo nhỏ tới sáng tạo lớn.

Nhưng với học sinh, nhất là học sinh tiểu học và học sinh trung học cơ sở, thì việc cho các em làm quen với tư duy sáng tạo phải bắt đầu từ những sáng tạo rất nhỏ, thậm chí những việc làm mà người ta vẫn đang làm trong xã hội. Như thế chưa hẳn là phát minh hay sáng tạo gì cả, nhưng qua những hoạt động thiết thực và hữu ích sẽ giúp học sinh rèn luyện được kỹ năng hoạt động cụ thể, và dần dần biết ứng dụng những kiến thức học được trong trường để chế tác và có được những thành quả nho nhỏ, phù hợp với lứa tuổi các em.

Đừng bao giờ “ép chín non” những thành viên trong hoạt động trải nghiệm sáng tạo, vì như thế sẽ làm thui chột, chứ không phải phát triển tố chất sáng tạo trong mỗi con người. Sáng tạo ở đây phải được hiểu trên bình diện rất rộng, như gấp một chiếc máy bay bằng giấy cũng phải được coi là hoạt động sáng tạo đối với học sinh lớp 1 hay lớp 2, chế tác một chiếc diều gió cũng là sáng tạo đối với học sinh lớp 4 lớp 5. Tính trò chơi của sáng tạo phải được đặc biệt nhấn mạnh trong “hoạt động trải nghiệm sáng tạo” này, vì nó sẽ đặt nền móng cho những sáng tạo thật sự vào một thời điểm nào đó.                 

THANH THẢO
 


.