Cấp bách bảo vệ môi trường

05:05, 13/05/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trước thực trạng ô nhiễm môi trường đã và đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 25 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường.

TIN LIÊN QUAN

Tại Quảng Ngãi, thực hiện Chỉ thị nói trên, đầu năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, với quan điểm đầu tư cho môi trường là đầu tư cho phát triển; bảo vệ môi trường phải lấy phòng ngừa, ngăn chặn là chính. Chủ trương, kế hoạch nói trên nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực từ phía người dân và chính quyền các cấp trong tỉnh.
 

Mới đây nhất, lãnh đạo UBND tỉnh đã có văn bản gửi Bộ TN&MT về một số vấn đề liên quan đến Dự án Nhà máy Bột - Giấy VNT19, đang triển khai xây dựng trên địa bàn xã Bình Phước (Bình Sơn). Dự án này có công suất giai đoạn I khoảng 250 nghìn tấn bột giấy tẩy trắng/năm, trên diện tích 118ha, với tổng vốn đầu tư 7.900 tỷ đồng.

Tuy nhiên, điều khiến chính quyền và người dân Quảng Ngãi lo ngại là bởi, theo báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án, thì vị trí xả thải của dự án tại vịnh Việt Thanh (thôn Lệ Thủy, xã Bình Trị) cách bờ biển khoảng 500 - 1.500m. Với vị trí xả thải này, chủ đầu tư dự án sẽ phải lắp đặt ống ngầm dưới nước.

Trong khi đó, sản xuất bột giấy và giấy cũng là lĩnh vực rất dễ gây tác động xấu đến môi trường, nếu không được kiểm soát nghiêm ngặt. Cũng vì lo ngại điều này, từ năm 2011 lãnh đạo tỉnh đã đề nghị chủ đầu tư trong quá trình thiết kế, xây dựng nhà máy phải xây dựng một hồ nuôi cá bằng nước thải của nhà máy trước khi thải ra biển, nhằm kiểm nghiệm tiêu chuẩn nước thải trước khi thải ra môi trường.

Tuy nhiên, trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án được Bộ TN&MT phê duyệt lại không nhắc tới vấn đề này. Thế nên, UBND tỉnh đã đề nghị Bộ TN&MT xem xét, yêu cầu chủ đầu tư xây dựng hồ chỉ thị sinh học (hồ nuôi cá) để kiểm chứng chất lượng nước thải, sau khi xử lý trước khi xả thải ra môi trường, hoặc có ý kiến chính thức về vấn đề này.

Không chỉ với Dự án Nhà máy Bột - Giấy VNT19, mà với Dự án gang thép Hòa Phát Dung Quất cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm khi cấp phép đầu tư xây dựng. Bên cạnh tạo điều kiện cho dự án triển khai thuận lợi, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu chủ đầu tư cam kết đảm bảo vấn đề bảo vệ môi trường. Chủ dự án này cho biết sẽ dành 30 - 35% vốn đầu tư của dự án, để đầu tư cho môi trường.

Chỉ thị 25 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định bảo vệ môi trường là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, doanh nghiệp và nhân dân. Do đó, việc lãnh đạo tỉnh có những động thái tích cực trong việc phòng ngừa, ngăn chặn vấn nạn ô nhiễm môi trường xảy ra khi lựa chọn dự án, cấp phép đầu tư và giám sát chặt chẽ việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta cần phát huy hơn nữa hiệu quả vai trò, trách nhiệm và sự tham gia của các tổ chức xã hội, cộng đồng người dân trong công tác bảo vệ môi trường, để phát triển bền vững.

PHẠM DANH
 


.