Không nên đổ lỗi cho ngư trường

02:04, 17/04/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngư dân tỉnh ta xâm phạm ngư trường các nước trong và ngoài khu vực Đông Nam Á để đánh bắt thủy sản trái phép đang là câu chuyện thời sự thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội hiện nay và là nỗi trăn trở của các ngành chức năng của tỉnh.

Thực trạng không lấy gì làm vui này, không phải mới xuất hiện mà đã có từ lâu và ngày một gia tăng, làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa nước ta với các quốc gia trong và ngoài khu vực; gây thiệt hại kinh tế hàng tỷ đồng đối với chủ tàu cá và sự an toàn về tính mạng đối với ngư dân. Chỉ riêng xã Bình Châu (Bình Sơn), từ đầu năm đến nay đã có trên 80 lao động của 6 tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, tịch thu, tiêu hủy phương tiện, ngư lưới cụ...

Phải khẳng định rằng, đây là hành vi vi phạm pháp luật của thuyền trưởng và chủ tàu cá, nhưng vì sao lại chưa được chấn chỉnh triệt để? Lý giải cho việc làm vi phạm pháp luật này, ngư dân cho rằng: Nguồn lợi thủy hải sản của ngư trường trong nước cạn kiệt, làm ăn ngày càng khó nên buộc phải “vượt hải phận” để đánh bắt, nhanh thu hồi vốn... Lời biện minh cho hành vi trái pháp luật đó là không thể chấp nhận được. Thực tế, nhiều ngư dân trong tỉnh chịu khó làm ăn, thường xuyên tìm hiểu, di chuyển ngư trường, thay đổi phương thức đánh bắt... vẫn “sống khỏe” với nghề.

Với những chuyến đi đánh bắt hải sản không tuân thủ các quy định của pháp luật như trên, thường là mất nhiều hơn được. Bởi lẽ, một số quốc gia xử lý rất nghiêm khắc với hành vi xâm phạm ngư trường để đánh bắt hải sản trái phép. Mỗi lần bị như thế, nhiều chủ tàu cá sở hữu phương tiện tiền tỷ bỗng chốc trắng tay; những lao động trên tàu vốn đã nghèo giờ gia đình phải chạy “vay nóng, vay nguội” để nộp phạt, nếu không thì phải ngồi tù. Ấy là chưa kể đến sự an toàn về tính mạng của hàng chục con người đi trên tàu, khi đi qua những “vùng biển nóng"...

Vậy phải chăng chúng ta đang buông lỏng công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này? Một cán bộ biên phòng chia sẻ: Không khó để nhận biết các phương tiện chuẩn bị qua vùng biển nước ngoài để khai thác thủy sản. Đó là, các tàu này thường chuẩn bị lượng dầu và nhu yếu phẩm tăng gấp đôi so đánh bắt ở ngư trường trong nước. Nhưng cái khó ở đây là, đó không phải là điều kiện để ban hành lệnh cấm không cho phương tiện ra khơi.

Có trường hợp lực lượng biên phòng yêu cầu không đưa nhiều dầu và nhu yếu phẩm lên tàu, vì không đảm bảo an toàn, nhưng họ không chấp hành, cá biệt có ngư dân tỏ thái độ chống đối lực lượng thực thi công vụ; hoặc có trường hợp chấp hành, nhưng ra khỏi bờ thì có một số tàu khác tiếp tế. Vì thế, lực lượng biên phòng khó kiểm soát được.  Đây cũng là bài toán ngoài tầm kiểm soát của ngành thủy sản và lực lượng kiểm ngư.

Để không tái diễn tình trạng này, đòi hỏi mỗi ngư dân phải có ý thức thượng tôn pháp luật. Muốn vậy, chúng ta cần tăng cường công tác giáo dục pháp luật cho chủ tàu, thuyền trưởng và lao động trên tàu, để họ nhận thức được rằng, việc xâm phạm ngư trường để đánh bắt trái phép hải sản là hành vi vi phạm pháp luật; làm ảnh hưởng đến mối quan hệ ngoại giao giữa nước ta với các quốc gia trong khu vực.                   
      

Phú Đức
 


.