Buồn với văn hóa lễ hội

08:02, 20/02/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Năm nào cũng vậy, cứ sau Tết, “tháng Giêng là tháng ăn chơi”, là vào mùa lễ hội. Lễ hội, một hoạt động vốn rất văn hóa, rất dân gian mà cũng rất dân tộc, vì sao từ nhiều năm nay bỗng hóa thành… nạn, “nạn lễ hội” khiến rất nhiều người dân bức xúc, người nước ngoài nhìn vào thấy rất lạ kỳ. Và dĩ nhiên, họ nhìn với rất ít thiện cảm.

Thực ra, từ xưa cứ sau Tết là tới mùa lễ hội. Nhưng lễ hội ngày xưa có nền nếp, làng có lệ của làng, nước có phép của nước. Lễ hội vừa là tín ngưỡng, vừa là vui chơi, vừa giao lưu, vừa thắt chặt tình làng nghĩa xóm.

Nghĩ như thế thì lễ hội cũng “thanh tao”, chứ đâu có “trào lộng” như lễ hội bây giờ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắn với Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: "Thủ tướng nói những việc không tốt gây bức xúc đó các cơ quan quản lý nhà nước lên tiếng, nhưng riêng Bộ VH-TT&DL lại chìm lắng, không lên tiếng, không phản hồi".

Tại sao như vậy? Cơ quan chủ quản các lễ hội trên toàn quốc chính là Bộ VH-TT&DL. Nếu bộ chủ quản “không nói” thì không phải không có gì để nói, mà không biết nói sao bây giờ? Năm nào cũng lặp đi lặp lại, hết chuyện chùa Hương tới chuyện Sóc Sơn, hết phát ấn đền Trần tới cướp phết Hiền Quan, rồi Hội Lim đội hát quan họ ngả nón… xin tiền.

Có mấy vấn đề Thủ tướng nêu ra từ các lễ hội hiện nay: Lễ hội theo hướng thương mại, trục lợi. Người ta gọi nhiều lễ hội hiện nay là “lễ hội xấu xí”, quả không sai.

Dĩ nhiên, vẫn còn nhiều lễ hội mang đậm nét tín ngưỡng-văn hóa, nhất là các lễ hội ở phía Nam, nhưng trong “trào lưu lễ hội” theo kiểu “ào ào như sôi” hiện nay, những lễ hội tử tế có nguy cơ bị chìm khuất.

Có một vấn đề từ tâm lý đám đông mang tính cực đoan cần được nghiên cứu. Ngày xưa thì hò nhau phá đình phá chùa, coi mọi hoạt động văn hóa tâm linh đều là “mê tín dị đoan”, còn ngày nay thì đã thật sự mê tín dị đoan, không những thế, còn mê tín dị đoan một cách rất cực đoan. Nếu Bộ VH-TT&DL cứ giữ “văn hóa im lặng” để những lễ hội này biến tướng ngày một xấu xí thêm, thì chỉ vài năm nữa, sẽ không ai nói “đi chơi xuân” hay “đi lễ hội” nữa, mà người ta sẽ sẵn sàng “đi tranh cướp lộc” từ các lễ hội. Như thế cũng không còn tín ngưỡng nữa, mà chỉ có tâm lý thực dụng. Đó là lúc cả “văn hóa lễ hội” sụp đổ.

Văn hóa không phải chuyện đùa, nó có thể là cái xuất hiện đầu tiên và còn lại sau cùng với một đất nước, một dân tộc. Vì thế, đừng nghĩ ngày xuân chỉ mỗi “chuyện lễ hội cỏn con” mà sao cứ mang ra nói mãi. Người làm công tác văn hóa phải là người đầu tiên hiểu sâu sắc về vai trò của văn hóa, trong đó có văn hóa tín ngưỡng, văn hóa lễ hội. Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng” thì đã muộn.     

Thanh Thảo
 


.