Trường Sơn Mỹ và tôi

09:07, 01/07/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Quả thật, nếu không viết được trường ca “Trẻ con ở Sơn Mỹ”, tôi khó có cơ hội được quen thân với Trường THPT Sơn Mỹ. Chính trẻ con Sơn Mỹ đã kết nối tôi với vùng đất đau thương này. Và cũng chính trẻ con đã cho tôi cơ hội tiếp cận và trở nên thân thiết từ 17 năm nay với Trường THPT Sơn Mỹ.

Bắt đầu từ trước lễ tưởng niệm 30 năm vụ thảm sát Sơn Mỹ-16.3.1998-tôi trở lại Sơn Mỹ với tư cách một nhà báo. Và trong một đêm ngồi bên dòng sông Kinh, tôi chợt bàng hoàng phát hiện ra Sơn Mỹ... không có điện. Khi màn đêm bao phủ, Sơn Mỹ chìm trong bóng tối. Nếu chỉ tới nơi này vào ban ngày như nhiều lần trước đó, chắc tôi khó phát hiện ra cái điều khá dễ thấy ấy. Sơn Mỹ không có điện không phải vì... không có điện (!?) Vẫn có những đường dây điện cao thế chạy trên bầu trời Sơn Mỹ, nhưng do không có tiền xây trạm hạ thế, dân không có tiền kéo dây điện về làng mình, về nhà mình, nên bao năm rồi mà người Sơn Mỹ chỉ biết ngước lên trời ngắm... dây điện, chứ chưa một lần nhìn thấy điện bừng sáng trong ngôi nhà mình.

Ngay sau đêm ấy, tôi viết một bài báo nhỏ: “Sơn Mỹ cần một tượng đài: Điện!” Bài báo được đăng ngay trên báo Thanh Niên, và đã gây được tiếng vang. Điều này là bất ngờ với tôi, dù vẫn biết Thanh Niên là một tờ báo lớn và có chỗ đứng vững chắc trong lòng bạn đọc. Sau bài báo, rất nhiều bạn đọc báo Thanh Niên đã gửi thư đến tòa soạn báo bày tỏ nỗi xót xa khi biết Sơn Mỹ vẫn chưa có điện. Hồi ấy chưa có thư điện tử internet như bây giờ, chỉ là thư viết tay. Ngay lập tức, từ bài báo nhỏ của tôi, báo Thanh Niên phát động phong trào “Bạn đọc chung lòng góp sức đưa điện về Sơn Mỹ”. Một anh cán bộ Đoàn từ Kiên Giang xa xôi đã gửi về báo Thanh Niên số tiền 150.000 đồng - là tiền anh được bồi dưỡng khi hiến máu nhân đạo-với mong ước Sơn Mỹ sớm có điện. Biết bao người trên khắp đất nước cùng nhiều cơ quan đoàn thể đã tham gia vào “dự án yêu thương” này. Và đúng dịp lễ tưởng niệm 30 năm vụ thảm sát Sơn Mỹ, điện đã bừng sáng ở vùng đất khổ đau và còn nghèo khó ấy.

Cũng trong dịp lễ ấy, khi đi qua ngôi trường cấp 2&3 Sơn Mỹ, tôi chợt nghĩ mình có thể làm cái gì đó vì những trẻ em đang học ở đây. Quỹ học bổng “Vì trẻ em Sơn Mỹ” ra đời ngay thời điểm ấy. Khi tôi mang ý định này thưa chuyện với thầy Võ Trọng Khai-Hiệu trưởng Trường Sơn Mỹ-tôi đã nhận được sự ủng hộ rất chân tình. Qua thầy Khai, tôi lại được quen với thầy Thanh, hồi đó là hiệu phó, rồi sau này quen với thầy Lạc mới lên hiệu phó... Các thầy đều hết sức nhiệt tình hỗ trợ tôi mỗi mùa mang học bổng tới các em học trò nghèo Sơn Mỹ. Tôi cũng không biết quỹ học bổng của mình đã trợ sức được cho bao nhiêu em học trò nghèo qua nhiều thế hệ học trò của trường, và có giúp gì cho các em không, nhưng qua các thầy ở đây, tôi biết, nhiều em học sinh Sơn Mỹ sau này học hành đỗ đạt, có công ăn việc làm, đã luôn nhớ đến thế hệ các em mình còn nghèo khổ và đang ngồi trên ghế nhà trường. Một sự lan tỏa ấm áp nào đó đã diễn ra ở ngôi trường này.

Qua 17 năm liên tục của quỹ học bổng “Vì trẻ em Sơn Mỹ”, tôi cảm thấy mình đã được rất nhiều. Tôi được khi định hướng cuộc sống của mình, được khi biết chắt chiu những đồng tiền có ích từ lao động nghề báo. Và được khi chia sẻ một chút niềm vui với các em học trò nghèo nơi mảnh đất đã cho tôi một bản trường ca.

THANH THẢO
 


.