Quốc hội thảo luận tại Hội trường về tình hình KT-XH

01:10, 30/10/2014
.

Sáng nay, 30-10, Quốc hội bắt đầu một ngày rưỡi thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế-xã hội đất nước.

 
Thủ tướng báo cáo về tình hình KTXH trước Quốc hội
Thủ tướng báo cáo về tình hình KTXH trước Quốc hội

Đề nghị Quốc hội tiến hành giám sát nguồn vốn ODA

Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu   Nguyễn Cao Sơn  – Hòa Bình nhận xét, báo cáo Chính phủ đã đánh giá khá toàn diện tình hình KTXH đất nước, kinh tế dần phục hồi, lãi suất ngân hàng liên tục giảm phù hợp với kinh tế vĩ mô, tốc độ nợ xấu giảm, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối tăng mạnh, tình trạng vàng hóa, đô-la hóa giảm, thu ngân sách đạt khá, chi đảm bảo dự toán… Tuy nhiên, nền kinh tế đất nước vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, cân đối vĩ mô chưa vững chắc, sản xuất kinh doanh tiếp tục khó khăn, số DN giải thể, phá sản, tạm dừng hoạt động còn lớn, nợ thuế khó thu tăng…

Theo đại biểu Sơn, trong giai đoạn hiện nay, Chính phủ cần tập trung nguồn lực tháo gỡ khó khăn cho các DN; kiểm soát tốt nợ công và nợ nước ngoài; thực hiện đồng bộ các biện pháp đảm bảo tháo gỡ khó khăn cho các DN nhỏ và vừa, đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu, điều hành linh hoạt, thận trọng giá các mặt hàng thiết yếu; cho phép phát hành thêm trái phiếu Chính phủ phục vụ các dự án hạ tầng…

Đại biểu   Trương Minh Hoàng  – Cà Mau cũng tán thành cao với báo cáo của Chính phủ, đánh giá cao sự điều hành của Chính phủ trong lĩnh vực tiền tệ, ổn định giá trị đồng tiền, mặt bằng lãi suất... nhưng cũng chia sẻ về những yếu kém, tồn tại như trong báo cáo, đặc biệt là về tái cơ cấu, cải cách thủ tục hành chính.

“Tôi cơ bản đồng tình với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2015 đã đề ra, song xuất phát từ trăn trở, lo lắng của bản thân và cử tri, tôi đề nghị Chính phủ xem xét tăng nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, phát hành trái phiếu trong năm tới; chấp nhận lạm phát 1 con số trong tầm có thể kiềm chế được, dồn sức cho những công trình đầu tư dở dang nhưng có hiệu quả kinh tế cao, tập trung cho an sinh xã hội, bảo vệ quốc phòng, an ninh”, đại biểu Hoàng nói.

Quan tâm đến vấn đề an sinh xã hội,   đại biểu Nguyễn Văn Tiên  – Tiền Giang cho rằng, mặc dù năm qua, Chính phủ đã hoàn thành chỉ tiêu giảm số bệnh nhân/giường bệnh và giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em, tuy nhiên, các bệnh viện ở tuyến tỉnh, trung ương vẫn quá tải.  

Theo đại biểu Tiên, nguyên nhân của tình trạng này một phần là do cơ chế, vì các bệnh viện TƯ đa phần vận tự chủ tài chính nên không muốn giảm quá tải. Do đó, chỉ tiêu giảm số bệnh nhân/giường bệnh không ăn nhập với thực tế. Đại biểu Tiên đề nghị thay chỉ tiêu này bằng chỉ tiêu mua bảo hiểm y tế, như vậy sẽ phản ánh đúng hơn công tác chăm sóc sức khỏe hiện nay. Đồng thời, Chính phủ cần có quy định, các bệnh viện TƯ sau khi chữa xong những nguyên nhân cơ bản cho bệnh nhân phải trả bệnh nhân về y tế địa phương để điều trị tiếp, chứ không tiếp tục giữ bệnh nhân tại viện.

Bàn về nợ công, đại biểu Tiên cho rằng, cần hết sức cẩn trọng khi vay vốn thực hiện các dự án ODA, bởi đây chính là nguyên nhân gia tăng gánh nặng nợ công. Đại biểu Tiên đề nghị, Chính phủ phải quán triệt nguyên tắc không vay ODA cho chi thường xuyên, các dự án ODA vay phải có ý kiến của các cơ quan Quốc hội trước khi tiến hành.
 
Đại biểu Lê Thị  Nga đề nghị giám sát chặt việc sử dụng vốn ODA. Ảnh: CAND
Đại biểu Lê Thị Nga đề nghị giám sát chặt việc sử dụng vốn ODA. Ảnh: CAND

Đại biểu Lê Thị Nga  - Thái Nguyên cũng quan tâm đến việc quản lý ODA, bởi nguồn vốn này chủ yếu là cho vay có điều kiện, đóng góp tích cực cho phát triển KTXH. Nhưng những vụ việc tiêu cực từ việc sử dụng nguồn vốn này thời gian qua đã ảnh hưởng đến đất nước. Xu hướng thích dùng ODA gắn với lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ… cũng đã khiến các công trình dùng vốn ODA xuất hiện rất nhiều nhưng nhiều công trình không hiệu quả.

“Tôi đề nghị Quốc hội tiến hành giám sát ODA, phân tích mặt lợi, bất lợi của việc sử dụng nguồn vốn này, tiến tới giảm dần và ngừng sử dụng ODA. Bất cứ quốc gia nào sử dụng lâu dài nguồn vốn ODA đều là bất lợi, có ý thức tốt nghiệp ODA thì mới nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng nó”, đại biểu Nga nói.

Đồng thời, Quốc hội cần hoàn thiện hành lang pháp lý về ODA, quy định chặt chẽ tiêu chí chấp nhận vốn ODA, quy định trách nhiệm của Quốc hội, quyền của người dân, các cơ quan báo chí, tổ chức xã hội… trong giám sát vốn ODA; sử dụng vốn ODA có chọn lựa, hạn chế, hướng tới khu vực tư nhân, không vay để theo đuổi những siêu dự án.

Đã đến lúc cần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao trở lại

Đó là quan điểm của đại biểu   Trần Hoàng Ngân  - TP. Hồ Chí Minh. Theo phân tích của đại biểu Ngân, Việt Nam đang là một trong những nước có độ mở lớn nhất thế giới, nền kinh tế của ta đnag phục hồi là có cơ sở, nhưng nếu nhìn về tiềm năng, với vị trí địa chính trị-kinh tế thuận lợi, chính trị ổn định, 4 năm qua, tốc độ tăng trưởng của chúng ta đều dưới tiềm năng, chỉ đạt chưa đầy 5% so với tốc độ trung bình trên 7% của 20 năm trước đó. Tuy nhiên, trong 4 năm qua, nước ta đã giảm được lạm phát, cán cân thương mại được cải thiện, tiền tệ ổn định… Đại biểu Ngân cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần thúc đẩy tăng trưởng cao trở lại trên cơ sở những quyết sách đúng.

“Tôi đồng tình với chỉ tiêu tăng trưởng 6,2% và lạm phát ở mức 5% trong năm tới, nhưng với tỷ lệ tăng tổng vốn đầu tư ở mức 30% là khó khả thi. Chúng ta cần tăng tổng vốn đầu tư lên 32% bằng các giải pháp vực dậy khu vực sản xuất trong nước. Chính phủ cần báo cáo chi tiết vì sao mỗi năm đều có hàng chục nghìn DN giải thể, phá sản”, đại biểu Ngân nói.
 
Đại biểu Trần Hoàng Ngân.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân.

Theo đại biểu Ngân, trước mắt, Chính phủ cần có hỗ trợ lãi suất về trung và dài hạn để DN đầu tư sản xuất, góp phần giảm độ mở về kinh tế; chú ý an toàn trong giao thông, vệ sinh thực phẩm, an ninh trật tự; tiếp tục hoàn thiện thể chế, thủ tục hành chính, con người hành chính; đầu tư cho công nghiệp phụ trợ, công nghiệp cao.

Đại biểu   Cao Sỹ Kiêm  - Thái Bình cũng cho rằng, thời gian qua, chúng ta đã giải quyết có hiệu quả nhiều vấn đề lớn, gây lòng tin tốt trong xã hội, nhân dân, nhưng nhìn về dài hạn, yếu tố bền vững, nền KTXH nước ta đang xuất hiện những vấn đề mới: thể chế thị trường định hướng XHCN còn nhiều vướng mắc, môi trường đầu tư chưa hoàn thiện, thủ tục hành chính, năng lực cạnh tranh chưa nâng lên được; khai thác, sử dụng tài nguyên chưa được kiểm soát chặt chẽ…  

Theo đại biểu Kiêm, nguyên nhân bao trùm là do chúng ta tái cơ cấu, sắp xếp DN chậm; kỷ cương, kỷ luật điều hành, chấp hành chưa nghiêm túc. Ông cho rằng, nếu chúng ta không giải quyết triệt để, có kết quả những hạn chế này thì sẽ rất khó đạt được những chỉ tiêu đề ra cho năm 2015.  

Thận trọng trước những chỉ tiêu lạc quan đạt được

Đại biểu   Nguyễn Thị Quyết Tâm  - TP. Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ cân nhắc, đánh giá thận trọng hơn những chỉ tiêu KTXH lạc quan đã đạt được, bởi thực tế có những khó khăn hơn rất nhiều so với báo cáo của Chính phủ hoặc có những vấn đề chưa được đề cập đầy đủ, thẳng thắn trong báo cáo Chính phủ như tình hình căng thẳng trong cân đối ngân sách khiến Chính phủ không thực hiện tăng lương theo lộ trình, tình hình nợ công tăng cao, báo cáo mờ nhạt về phòng, chống tham nhũng; tình hình ma túy, người nghiện gia tăng...

“Số người nghiện đang rất cao trong cộng đồng, tới 200.000 người, một khi họ thiếu thuốc sẽ gây nhiều vấn đề phức tạp cho cộng đồng xã hội. Quốc hội cần cho phép thực hiện một số biện pháp tình thế để xử lý vấn đề cai nghiện ở những thành phố lớn như Hồ Chí Minh, có nghị quyết riêng về vấn đề này hoặc đan xen trong nghị quyết KTXH để tháo gỡ những vấn đề luật pháp đang còn khó khăn trong đưa người đi cai nghiện bắt buộc”, đại biểu Tâm nói.

Đại biểu   Đặng Thuần Phong  - Bến Tre cũng cho biết, dư luận và cử tri chưa an tâm khi thấy kinh tế phục hồi chưa vững chắc, khả năng hấp thu vốn của nền kinh tế còn yếu; thất nghiệp, tệ nạn xã hội… đang là những thách thức lớn với sự phát triển.

Theo đại biểu Phong, thời gian tới, Chính phủ cần tập trung giải quyết nợ công, nợ xấu, cố gắng giảm chi thường xuyên thêm 10% để có nguồn đầu tư cho phát triển, cố gắng chặn đứng tham nhũng; chấm dứt hiện tượng lạm dụng chính sách.
 
Trần Thị Hoa Sinh - Lạng Sơn
Trần Thị Hoa Sinh - Lạng Sơn

Đồng tình với các chỉ tiêu, nhóm giải pháp của Chính phủ đề ra, các đại biểu   Trần Thị Hoa Sinh  - Lạng Sơn,   Tôn Thị Ngọc Hạnh  - Đắc Nông góp ý thêm, cần tiếp tục nâng cao chất lượng dự báo, nắm tình hình khu vực; đảm bảo nguồn kinh phí, có cơ chế đặc thù để nâng cao chất lượng các dự án ở vùng biên giới; hoàn chỉnh các dự án kinh tế - quốc phòng trọng điểm; cụ thể hóa những cơ chế đặc thù về đào tạo, giáo dục cho vùng khó khăn, gắn đào tạo với thị trường lao động; nâng cao kỷ cương, kỷ luật, hiệu quả quản lý nhà nước, trách nhiệm thực thi công vụ.

“Theo thông tin chính thức, nước ta có hàng trăm nghìn lao động tốt nghiệp đại học đang thất nghiệp, điều này là đáng suy nghĩ. Năm tới, chúng ta đặt mục tiêu tạo việc làm cho 1,6 triệu lao động, tôi chưa bàn đến con số này, nhưng xuất phát từ quan ngại về kinh tế trước mắt và trong thời gian tới, Chính phủ cần phải có giải pháp căn cơ giải quyết vấn đề lao động có trình độ cao nhưng phải giấu bằng cấp, tránh lãng phí sức lao động cho xã hội”, đại biểu Hạnh nói.

Năng suất lao động thấp là đá tảng cản đà tăng trưởng

Theo đại biểu   Nguyễn Phi Thường  - Hà Nội, năm qua, kinh tế nước ta đang phải đối mặt với những nguy cơ “chết người”, nhiều vấn đề nổi cộm khiến nhân dân lo lắng, trong đó có vấn đề năng suất lao động thấp, trong khi vốn và lao động là tiền đề của tăng trưởng.

“Dự báo nguồn vốn thời gian tới rất khó khăn, lao động của chúng ta đang ở giai đoạn dân số vàng cũng đồng nghĩa với đang ở giai đoạn già hóa. Do đó, việc nâng cao năng sức lao động là bước đi sống còn giúp kinh tế Việt Nam cạnh tranh và tăng trưởng so với các nền kinh tế khác trong bối cảnh hội nhập”, đại biểu Thường nói.

Theo đại biểu Thường, hiện 50% lao động Việt Nam chưa qua đào tạo, năng suất lao động ở nước ta thuộc nhóm thấp nhất các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Vì vậy, đã đến lúc chúng ta cần nhìn lại tái cơ cấu nhân lực vì đây là chìa khóa giúp Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình.
 
Đại biểu Nguyễn Phi Thường.
Đại biểu Nguyễn Phi Thường.

“Lao động Việt Nam hiện đông về số lượng nhưng ít qua đào tạo, chủ yếu làm gia công; hệ thống giáo dục đào tạo thiên về lý thuyết hơn là kỹ năng; tổ chức lao động chưa khoa học, DN phần nhiều quản trị theo thói quen; bộ máy hành chính quá cồng kềnh; công nghệ lạc hậu… Do đó, chúng ta cần đổi mới hơn nữa GD-ĐT theo hướng học hỏi, rèn luyện bản lĩnh tự cường; thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động sang lĩnh vực phi nông nghiệp; tăng chất lượng thông tin giúp người lao động lựa chọn ngành nghề; nhập khẩu công nghệ, máy móc cần theo định hướng công nghệ nguồn”, đại biểu Thường đề xuất.

Cùng bàn về vấn đề tăng trưởng, đại biểu   Trần Xuân Hùng  - Hà Nam khẳng định, nợ xấu vẫn là vấn đề nan giải, chưa có giải pháp căn bản xử lý. Các công ty mua bán, quản lý nợ thiếu cả nguồn lực, năng lực, quyền lực. Theo đại biểu Hùng, việc mua bán nợ là của cơ chế thị trường, Chính phủ cần có cơ chế mạnh hơn, cho phép các công ty trên mua bán nợ theo thị trường chứ không phải bằng biện pháp hành chính.

Chung quan điểm, các đại biểu   Đào Tấn Lộc  - Phú Yên,   Nguyễn Ngọc Hải  - Hà Giang cho rằng, việc xử lý nợ xấu là vấn đề cơ bản, không chỉ mình ngân hàng đảm nhiệm, mà phải có ban chỉ đạo liên ngành để tập trung xử lý, đặc biệt là những khoản nợ xấu của Nhà nước. Đồng thời, quá trình xử lý nợ cần sự tham gia của cả Nhà nước và DN, phải gắn với việc xử lý hàng tồn kho, thúc đẩy thị trường…

Xác định rõ trách nhiệm cá nhân trong quản lý, điều hành KTXH

Theo đại biểu   Trương Văn Vở  - Đồng Nai, báo cáo về KTXH của Chính phủ chưa đề cập đúng mức về trách nhiệm quản lý điều hành của các bộ, ngành trung ương và địa phương.  

“Nội dung báo cáo của Chính phủ luôn nhắc đến những hạn chế trong quản lý, điều hành của các ngành, các cấp nhưng đến nay chưa chuyển biến rõ. Tôi đề nghị Chính phủ cần đánh giá rõ hơn, cụ thể hơn, làm rõ trách nhiệm cá nhân mỗi ngành, mỗi cấp, từ trung ương đến địa phương”, đại biểu Vở nói.

Cụ thể, theo đại biểu Vở, Bộ Nội vụ cần kiểm điểm việc chậm ban hành tiêu chuẩn chức danh cán bộ công chức, viên chức, phân loại cán bộ công chức, viên chức, tinh giảm biên chế; Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội kiểm điểm về đề án đặt hàng tạo sự kết nối giữa DN và các trung tâm đào tạo việc làm; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về chậm hoàn thiện cơ chế khoán trồng, bảo vệ rừng, triển khai quy hoạch vùng, khu công nghệ cao; Thanh tra Chính phủ về chậm ban hành các văn bản pháp luật phòng, chống tham nhũng…
 
Đại biểu Trương Văn Vở.
Đại biểu Trương Văn Vở.

Đại biểu Vở cũng đề nghị Quốc hội bổ sung vào Nghị quyết KTXH của Quốc hội việc xác định rõ trách nhiệm, tiến độ, thời gian, giải pháp thực hiện về trồng rừng thay thế công trình thủy điện. Theo ông, vấn đề trước mắt cần làm ngay là phải tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân bằng những giải pháp về thuế, vốn theo hướng ưu đãi cho DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, phát triển công nghiệp phụ trợ; điều chỉnh chính sách cho vay, thế chấp, tín chấp, lãi suất cho vay dài hạn; tiếp tục tạo đột phá về thể chế, phân bổ nguồn lực, quản lý nguồn lực cho kết cấu hạ tầng giao thông trên cơ sở phát huy lợi thế về kinh tế vùng; đẩy mạnh thoái vốn ngoài ngành...

Quan tâm đến phát triển nông nghiệp, đại biểu   Nguyễn Thị Huệ  - Đắc Lắc cho rằng, xuất khẩu nông sản của Việt Nam hiện đang đứng hàng đầu thế giới nhưng giá trị thực tế mang lại rất thấp thì vị trí đứng đầu đó không có nhiều ý nghĩa.

“Hiện nay, người nông dân không thể tạo ra được những công cụ của riêng mình để thông thương. Chúng ta cần chú trọng hình thành sàn giao dịch nông sản điện tử của Việt Nam, phù hợp với sự phát triển mới”, đại biểu Huệ nói.

Chung quan điểm, đại biểu   Trần Quốc Tuấn - Trà Vinh cũng đề nghị Chính phủ cần chú ý tăng thu nhập cho người nông dân ngay trên chính mảnh đất họ đang sinh sống. Người nông dân cần được tư vấn giống tốt, giảm bớt tổn thất sau thu hoạch, hỗ trợ tín dụng… để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

“Việt Nam có thế mạnh nông nghiệp nhưng chỉ trong 9 tháng đầu năm 2014, chúng ta đã bỏ ra hơn 2 tỷ USD để nhập khẩu chủ yếu 3 mặt hàng: nông sản ngô, hạt điều, đậu tương... Phải chăng đâu đó còn thiếu sự quyết tâm, nhiệt tình, đồng bộ?”, đại biểu Tuấn nêu vấn đề.

.