Đề xuất nhiều cơ chế chính sách cho huyện đảo Lý Sơn

08:10, 01/10/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Sau một ngày làm việc khẩn trương, trách nhiệm cao, chiều ngày 1.10, Hội thảo quốc gia về định hướng phát triển và cơ chế, chính sách đặc thù cho huyện đảo Lý Sơn, do Ban Kinh tế Trung ương và Tỉnh ủy Quảng Ngãi tổ chức đã hoàn thành chương trình và nội dung đề ra. 
 
Với sự tham gia thảo luận của các lãnh đạo, nhà quản lý, chuyên gia khoa học, nhà nghiên cứu… nhiều cơ chế chính sách đã được đưa ra, qua đó đã làm rõ hơn định hướng phát triển cho huyện đảo Lý Sơn trong thời gian đến.
 
 
Những thuận lợi và khó khăn
 
Hầu hết các đại biểu đều khẳng định rằng, Lý Sơn có một vị trí hết sức quan trọng, nằm trên tuyến đường biển từ Bắc vào Nam, đồng thời là đường ra Biển Đông của khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung qua cửa khẩu Dung Quất. Lý Sơn có tiềm năng lớn trong phát triển kinh tế kết hợp với  quốc phòng-an ninh. Lý Sơn có tính liên kết chặt chẽ với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam về địa lý và lịch sử.
 
Lý Sơn tiêu biểu cho văn hóa biển-đảo Việt Nam. Có nhiều tiềm năng về nông nghiệp, đặc sản tỏi, hành và khai thác nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch, dịch vụ hậu cần nghề cá; có đội ngũ ngư dân có kinh nghiệm truyền thống đánh bắt hải sản lâu đời, đặc biệt là ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa.
 
Chủ trì hội thảo.
Chủ trì hội thảo.
 
Nhiều đại biểu cũng khẳng định rằng, Lý Sơn là vùng đất có tiềm năng văn hóa vô cùng phong phú. Nơi lưu giữ nhiều tư liệu quý, quan trọng chứng minh quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Vùng biển Lý Sơn có xác tàu chở gốm sứ, tàu đắm chở đá cổ, cùng hệ sinh thái san hô đa dạng, có cổng Tò Vò dưới nước vừa mới phát hiện vô cùng kỳ vĩ. Đây là di sản thiên nhiên và di sản văn hóa dưới nước khác biệt so với các nơi khác trên cả nước và thế giới, vì vậy cần được quan tâm bảo tồn và phát huy.
 
Tại hội thảo, nhiều đại biểu đều khẳng định rằng, mặc dù Lý Sơn là một huyện đảo có nhiều tiềm năng và thế mạnh, nhưng nhìn chung, Lý Sơn vẫn là một huyện đảo nghèo; đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. 
 
Theo Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Viết Chữ thì khó khăn của Lý Sơn rất nhiều, nổi lên nhất là hạ tầng quá yếu kém, chưa có cảng, đường giao thông, hệ thống cấp nước chưa được đầu tư, thiếu cây xanh, nước ngọt, xói lở bờ biển diễn ra nhanh; kinh tế kém phát triển với gần 24% hộ nghèo, hơn 10% hộ cận nghèo.
 
Là một huyện đảo, nhưng hiện lao động nông nghiệp của Lý Sơn chiếm tỷ lệ cao với trên 72%, số lao động chưa qua đào tạo còn rất nhiều, chiếm trên 87%. Một khó khăn nữa là Lý Sơn nằm cách xa đất liền, mùa mưa bão thường bị cô lập. Tình trạng biến đổi khí hậu và khai thác cát gây xâm thực, khiến Lý Sơn ngày càng nhỏ lại. Tình trạng ô nhiễm môi trường ở huyện đảo cũng chưa được khắc phục. 
 
Định hướng và cơ chế đặc thù cho Lý Sơn
 
Trước những thuận lợi và khó khăn của huyện đảo Lý Sơn, các đại biểu dự hội thảo đã hiến kế khá nhiều định hướng và cơ chế giúp Lý Sơn phát triển. Các đại biểu cho rằng, Lý Sơn là một huyện đảo, ngư dân có truyền thống đánh bắt hải sản. Chính vì vậy, phải chú trọng xây dựng cho Lý Sơn đội tàu thuyền có năng lực đánh bắt và công nghệ cao hơn. Cần xác định thủy sản là ngành kinh tế động lực (nhất là khi có Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển thủy sản).
 
Bên cạnh những chính sách hỗ trợ của Chính phủ thì cần khuyến khích đổi mới phương thức tổ chức và công nghệ đánh bắt hải sản trên biển, như tổ chức các nghiệp đoàn nghề cá và các tổ chức đánh bắt hải sản theo công nghệ hiện đại; sản phẩm có giá trị gia tăng cao, gắn với nhiệm vụ bảo vệ quốc phòng, an ninh trên biển. Bên cạnh đó, tập trung đầu tư cho Lý Sơn phát triển kết cấu hạ tầng nuôi trồng, chế biến thủy sản. Ứng dụng các công nghệ vào khai thác, bảo quản xuất khẩu thủy sản trên biển như các nước tiên tiến.
 
Đại biểu tham gia thảo luận tại hội thảo.
Đại biểu tham gia thảo luận tại hội thảo.
 
Song song với phát triển ngư nghiệp, các đại biểu dự hội thảo cũng thống nhất định hướng cho Lý Sơn trong phát triển nông nghiệp. Theo đó, cần quy hoạch và phát triển nông nghiệp Lý Sơn toàn diện theo hướng tạo ra giá trị tăng cao, bền vững. Mỗi năm, nông dân Lý Sơn đã khai thác khá nhiều đất cát cho sản xuất hành, tỏi. Vì vậy các đại biểu cho rằng, cần tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng tiết kiệm về khai thác thổ nhưỡng, đất đai nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp có chất lượng và thương hiệu. Muốn vậy, phải áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp thông qua hợp tác quốc tế…
 
Là một huyện đảo có nhiều di tích lịch sử, văn hóa và nhiều cảnh đẹp tự nhiên hiếm có, nên Lý Sơn cần phải quy hoạch phát triển du lịch sinh thái biển đảo, kết hợp với các tuyến du lịch các tỉnh trong khu vực miền Trung. Đặc biệt là cần xây dựng chính sách để thu hút nhà đầu tư vào các dự án bảo tồn sinh vật biển.
 
Cùng với đó, phát huy tiềm năng du lịch dưới nước vùng biển Lý Sơn kết nối với vùng biển Vũng Tàu, thuộc huyện Bình Sơn- nơi có xác tàu cổ bị đắm. Cần chú trọng thu hút đầu tư, mở rộng diện tích đảo để xây dựng các khu Resort, khu giải trí và xây dựng đô thị biển hiện đại, hài hòa.
 
Các đại biểu cũng thống nhất đề nghị tỉnh Quảng Ngãi bên cạnh những định hướng mang tính vĩ mô, cần đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương những cơ chế trước mắt để tạo động lực cho Lý Sơn phát triển. Trong đó, kiến nghị Chính phủ công nhân quần thể di tích lịch sử văn hóa là di sản văn hóa đặc biệt cấp quốc gia, tiến tới trình UNESCO công nhận là di sản thế giới.
 
Chính phủ cho phép Lý Sơn được áp dụng một số cơ chế chính sách ưu đãi tương tự như đảo Phú Quốc. Cho phéo Lý Sơn được hưởng cơ chế chính sách ưu đãi trong đầu tư phát triển đảo xa có vị trí tiền tiêu của cả nước. Các dự án đầu tư vào Lý Sơn có ý nghĩa quan trọng với phát triển kinh tế-xã hội được hưởng cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất về tín dụng, đất đai.
 
Với ngư dân cần hỗ trợ vốn, bảo hiểm, đào tạo thuyền viên, thuế; chính sách thu hút nguồn lực như được hưởng phụ cấp ưu đãi 0,7% cho cán bộ làm việc trên đảo; đầu tư kết cấu hạ tầng, ưu tiên bố trí vốn cho một số công trình thiết yếu trên đảo.
 
 
Bài, ảnh: M.Toàn
 

.