Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa XI:
"Nóng" chuyện nhà thầu nợ tiền tạm ứng

02:07, 24/07/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Sáng 24.7, kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa XI đã dành trọn 1 buổi để chất vấn và trả lời chất vấn. Nhiều vấn đề “nóng” đã được đưa ra chất vấn. Trong đó, vấn đề được quan tâm nhất là tình trạng nhà thầu nợ tiền tạm ứng.
 
Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước đến thời điểm 31.3.2014, dư nợ tạm ứng của các dự án trên toàn tỉnh là 520.695 triệu đồng, trong đó, dự nợ quá hạn là 149.871 triệu đồng. Có dự án tạm ứng từ năm 2006, 2007 đến nay vẫn chưa thanh toán. Được biết UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện/thành phố và các chủ đầu tư phối hợp với Kho bạc Nhà nước có biện pháp thu hồi nợ tạm ứng. 
 
Vấn đề “nóng” nhất này đã mở đầu phiên chất vấn bằng câu hỏi: Đến nay đã có bao nhiêu chủ đầu tư thực hiện hoàn ứng? Tổng số dự án đã hoàn ứng và số vốn thu hồi được bao nhiêu?
 
Với vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tài- Giám đốc Sở Tài chính cho rằng, tạm ứng vốn đầu tư đối với các hợp đồng trong xây dựng cơ bản là chế độ được quy định trong các Nghị định của Chính phủ và Thông tư của Bộ Tài chính nhằm tạo điều kiện vốn bước đầu cho nhà thầu để thực hiện hoàn thành khối lượng theo hợp đồng đúng tiến độ quy định. Song trong những năm qua do công tác quản lý, thu hồi tạm ứng vốn trên địa bàn còn bộc lộ nhiều hạn chế, tồn tại nên dẫn đến tổng số dư nợ tạm ứng lớn, thu hồi vốn tạm ứng chậm. Tổng số dư tạm ứng vốn đầu tư xây dựng cơ bản tại thời điểm ngày 31.12.2011 trên toàn tỉnh là 928,7 tỷ đồng. Số nợ quá hạn là 663,8 tỷ đồng.
 
Từ đầu năm 2012, Sở Tài chính đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác thu hồi, tạm ứng nợ. Tính đến 30.6.2014, tổng số dư nợ trên địa bàn tỉnh còn 570,5 tỷ đồng. Trong đó, số vốn dư nợ quá hạn giảm xuống còn 165,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, số vốn dư nợ tạm ứng từ năm 2011 trở về trước chưa thu hồi vẫn còn đến 132,3 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tạm ứng quá hạn là 114,1 tỷ đồng thuộc 63 dự án, thuộc 18 đơn vị đầu mối. Tổng dư nợ tạm ứng vốn đầu tư xây dựng cơ bản quá hạn lũy kế đến 30.6 chưa thu hồi là 165 tỷ đồng.
 
Theo ông Nguyễn Minh Tài, để xảy ra tình trạng này, trách nhiệm chính thuộc về chủ đầu tư. Chủ đầu tư không làm hết trách nhiệm của mình, thiếu kiểm tra tình hình thực hiện vốn tạm ứng đối với các nhà thầu trước cũng như sau thực hiện ứng vốn, để xảy ra chậm thu hồi hoàn ứng, nợ quá hạn hoặc không thu hồi được vốn. Ngoài ra, còn có trách nhiệm của cơ quan thanh toán vốn, kiểm soát chi là Kho bạc Nhà nước và Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và những cơ quan theo dõi quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản.
 
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trương Thị Xuân Hồng điều hành phiên chất vấn
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trương Thị Xuân Hồng điều hành phiên chất vấn.
 
Cũng liên quan đến vấn đề nợ tiền tạm ứng, một câu hỏi khác được nêu ra: Một số nhà thầu ứng vốn nhưng không thực hiện dự án cũng không trả lại tiền cho ngân sách, hiện còn nợ tạm ứng. Vì sao đến nay vẫn không thu hồi được? Biện pháp đối với các nhà thầu ứng vốn nhưng không thực hiện dự án, đồng thời cũng không trả lại tiền?
 
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Cao Phúc- Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư nêu rõ, đến nay có 6/11 dự án đã thu hồi tạm ứng. Trong đó có 4 dự án đã nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng và 2 dự án đang thực hiện dở dang. Hiện vẫn còn 5/11 dự án còn nợ tạm ứng chưa thu hồi được với số tiền 28,4 tỷ đồng. Cụ thể là: Dự án đường Giá Gối- Mô Nít, huyện Sơn Hà với số tiền tạm ứng 2,1 tỷ đồng; Dự án đường Ba Tơ- Ba Lế, huyện Ba Tơ với 3,7 tỷ đồng tiền tạm ứng; Dự án đường Làng Tranh, huyện Minh Long 7,7 tỷ đồng. Ngoài ra, có 2 dự án của huyện Tây Trà với số tiền tạm ứng còn nợ là 13,6 tỷ đồng là dự án Trà Phong- Trà Ka và Trà Phong- Gò Rô- Trà Bung.
 
Đối với các trường hợp này, các chủ đầu tư đã thực hiện nhiều biện pháp mạnh để thu hồi lại vốn tạm ứng của các nhà thầu. Cụ thể, các chủ đầu tư, UBND huyện đã chấm dứt hợp đồng thi công, xử lý vi phạm hợp đồng, khởi kiện, làm hồ sơ chuyển cho cơ quan điều tra để tiến hành xử lý theo pháp luật. Sau khi thực hiện các biện pháp, đến nay, chỉ có Công ty CP Tiến Hưng nộp lại 1 tỷ đồng và Công ty CP xây dựng Khánh Thịnh nộp 1 tỷ đồng.
 
Xung quanh vấn đề này, nhiều đại biểu đã đặt câu hỏi chất vấn lãnh đạo hai Sở Tài chính và Kế hoạch và Đầu tư. Đại biểu Nguyễn Thị Phương Thảo thắc mắc về biện pháp cụ thể để thu hồi số nợ tạm ứng còn lại. Trả lời câu hỏi của đại biểu Phương Thảo, ông Nguyễn Cao Phúc cho biết: Từ năm 2013, tỉnh Quảng Ngãi đã tập trung chỉ đạo công tác thanh tra, giám sát các nhà thầu. Yêu cầu các địa phương, các chủ đầu tư thường xuyên đôn đốc quá trình thi công gắn với trách nhiệm cá nhân. Ngoài ra, phối hợp với Kho bạc nhà nước để tiến hành thu hồi nợ.
 
Đại biểu Lê Xuân Hòa khẳng định, việc nợ tiền tạm ứng phải quy trách nhiệm đầu tiên vào phía chủ đầu tư và UBND các huyện. Từ thực trạng này, các chủ đầu tư phải rút ra kinh nghiệm là đánh giá kỹ năng lực thi công của các nhà thầu trước khi cho tham gia đấu thầu và trúng thầu. Đây là điểm mấu chốt để tránh tình trạng nợ ứng khó đòi như hiện nay ở các gói thầu khác.
 
Đại biểu Lê Quang Thích chất vấn
Đại biểu Lê Quang Thích chất vấn
Đại biểu Đoàn Dụng cũng thẳng thắn nói, việc nhà thầu nợ tạm ứng với số tiền quá lớn và không có khả năng trả nợ là do UBND các huyện và chủ đầu tư đã không xem xét kỹ lưỡng năng lực thi công của các đơn vị, doanh nghiệp này. Bên cạnh đó, danh sách các nhà thầu vi phạm hợp đồng, nợ ứng quá lớn cần phải được thông báo công khai, rộng rãi trên truyền thông, báo chí để tránh trường hợp các đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục tham gia đấu thầu và nợ ứng ở những gói thầu khác.
 
Về nội dung này, đại biểu Lê Quang Thích cũng đưa ra ý kiến cho rằng, việc tạm ứng tiền cho đơn vị thi công phải có căn cứ. Việc nợ ứng kéo dài như vậy thì trách nhiệm  lớn nhất phải thuộc về chủ đầu tư.
Đại biểu Lê Xuân Hòa chất vấn tại kỳ họp
Đại biểu Lê Xuân Hòa chất vấn tại kỳ họp

Trước những câu hỏi chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh, nói về biện pháp trong thời gian tới, ông Nguyễn Cao Phúc- Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư nêu rõ: Trong thời gian đến, UBND tỉnh cùng với một số địa phương tăng cường chỉ đạo UBND huyện thường xuyên đôn đốc kiểm tra thu hồi nợ gắn với trách nhiệm cá nhân. Đối với những nhà thầu cam kết tiếp tục thi công thì UBND huyện quyết liệt đôn đốc các nhà thầu thực hiện thi công theo đúng tiến độ cam kết. Đối với dự án đường Làng Tranh (Minh Long), UBND huyện phối hợp với Ngân hàng và Kho bạc Nhà nước để cùng thu hồi nợ.

"Đồng thời, trong phương án, hiện tại, chúng ta cũng xem xét đến việc nhà thầu nếu như không đảm bảo các yêu cầu cam kết về tiến độ đầu tư và thu hồi nợ thì đề nghị tỉnh sẽ có 1 thông báo tạm dừng không cho đấu thầu tiếp các công trình trên địa bàn. Còn lại, các đơn vị đã có dấu hiệu lừa đảo qua thanh tra đã gởi cho công an thì dừng hẳn, cấm không cho đấu thầu"- ông Nguyễn Cao Phúc- Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư khẳng định.
 
Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Cao Phúc trả lời chất vấn tại cuộc họp
Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Cao Phúc trả lời chất vấn tại cuộc họp.
 
 
Cũng tại phiên chất vấn sáng 24.7, đại biểu đã yêu cầu Sở NN&PTNT trả lời câu hỏi: Đập Hiền Lương ở xã Nghĩa Hà, TP.Quảng Ngãi được xây dựng từ năm 2004. Đến tháng 11.2013, đập đã bị hư hỏng nặng do lũ lịch sử. Đến nay vẫn chưa được sữa chữa. Nhân dân địa phương lo lắng về nguy cơ vỡ đập sẽ gây nhiễm mặn cho 650ha đất lúa và gây ách tắc giao thông. Đề nghị UBND tỉnh cho biết giải pháp khắc phục, thời gian thực hiện?
 
Trả lời câu hỏi về đập Hiền Lương, ông Dương Văn Tô- Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Sở đã tiến hành kiểm tra các công trình thủy lợi sau đợt lũ lịch sử vào tháng 11/2013. Sở cũng đã có văn bản xin kinh phí sữa chữa 5 công trình mang tính cấp bách nhất. Đập Hiền lương có nguy cơ ảnh hưởng đến đời sống dân sinh của nhiều hộ dân. Sở Nông nghiệp đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh nghiên cứu đầu tư kinh phí khoảng 3 tỷ đồng để sửa chữa cấp bách công trình này. 
 
Bà Trương Thị Xuân Hồng- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đồng tình với câu trả lời của Giám đốc Sở NN&PTNT. Công trình đập Hiền Lương hay kênh K10 ở xã Tịnh Hiệp, Sơn Tịnh là nhóm công trình phục vụ dân sinh, có ảnh hưởng lớn đến người dân. Do đó, bà Trương Thị Xuân Hồng đề nghị các sở, ban, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh kịp thời bố trí nguồn vốn để bảo vệ tính mạng của người dân và phục vụ đời sống nhân dân.
 
Cùng với những vấn đề này, trong phiên chất vấn sáng nay, các đại biểu cũng đã nghe giải đáp và chất vấn lãnh đạo Sở Tài nguyên môi trường, Sở Tài chính về chính sách khuyến khích thực hiện xã hội hóa đối với các lĩnh vực giáo dục- đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường; chất vấn Giám đốc Sở Xây dựng về việc thực hiện hóa giá nhà ở theo Nghị định 61 (nay là Nghị định 34 của Chính phủ) quá chậm làm ảnh hưởng đến đời sống và an toàn tính mạng của người dân.
 
Kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa XI, nhiều đại biểu cho rằng, đã có sự chuyển biến rõ rệt trong các câu hỏi chất vấn so với những kỳ họp trước. Người chất vấn đã thẳng thắn, không ngần ngại đặt những câu hỏi "hóc búa" đối với đại diện các ngành, đơn vị được chất vấn.
 
Chiều nay (24.7), kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa XI sẽ diễn phiên bế mạc và thông qua nhiều Nghị quyết quan trọng của kỳ họp.
 
 
B.Ngọc- T.Phương
 
 
 

.