Tầm nhìn Lý Sơn

09:03, 10/03/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đảo Lý Sơn bây giờ đã rất nổi tiếng, không chỉ với trong nước, mà còn với nước ngoài. Không chỉ nổi tiếng vì đây là nơi xuất phát của đội Hùng binh  Hoàng Sa, Trường Sa từ mấy trăm năm trước, hay nổi tiếng vì đảo này là “Vương quốc tỏi”. Lý Sơn được biết đến như một hòn đảo tiền tiêu của Việt Nam trên Biển Đông, khi Biển Đông còn ẩn chứa những nguy cơ “dậy sóng” do tranh chấp. Tính chất chiến lược của hòn đảo này là không phải bàn cãi.

TIN LIÊN QUAN

Vị trí quan trọng và đóng góp của Lý Sơn cho sự phát triển của Quảng Ngãi cũng là điều rõ ràng. Như một bộ phận thân thể không tách rời của Quảng Ngãi, Lý Sơn cần được sự quan tâm căn cơ để phát triển. Lâu nay, Lý Sơn đã được cả nước yêu mến và dành rất nhiều sự hỗ trợ giúp đỡ cho ngư dân, nông dân trên đảo. Những sự giúp đỡ quý giá của nhân dân cả nước đã động viên ngư dân Lý Sơn dũng cảm bám biển đánh cá trên những ngư trường truyền thống, nhưng đầy nguy cơ và sự đe dọa là ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa. Nhưng Lý Sơn vẫn cần sự đầu tư có định hướng, cần một tầm nhìn quy hoạch để phát triển không phải trong ngắn hạn. Phải đặt Lý Sơn trong những kế hoạch phát triển 10 năm và với tầm nhìn 20 năm, thì mới có thể đầu tư một cách bài bản cho sự phát triển của hòn đảo này được.

Dự án đưa điện bằng cáp ngầm ra đảo Lý Sơn sẽ hoàn thành trong năm 2014 là một trong những khâu đột phá để Lý Sơn phát triển. Khi đã có điện, Lý Sơn lại rất cần một dự án căn cơ về nước sinh hoạt không chỉ cho người dân trên hai đảo Lớn và Bé, mà còn cho những dự án du lịch.

Điện và nước, rất thiết thân với Lý Sơn. Nhưng nhà máy xử lý chất thải rắn, được khởi công từ năm 2013 và dự kiến hoàn thành giữa năm 2014, lại đảm bảo giải quyết “đầu ra” môi trường cho Lý Sơn. Dự án này hiện nay đang có tiến độ rất…rùa, khiến người dân Lý Sơn bức xúc.

Điện, nước, xử lý chất thải, đó là những dự án cần được tiến hành đồng bộ, và cùng với nó, là hệ thống giao thông trên đảo rất cần được xây dựng với chất lượng cao và hoàn thiện.

Với tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay và nhất là vài thập kỷ tới, việc chống sạt lở, chống biển “lấn đảo” phải trở thành một mục tiêu cho sự bảo vệ Lý Sơn. Rồi quy hoạch cân đối theo hướng phát triển tích cực giữa đánh bắt hải sản và làm dịch vụ trên biển, giữa nông nghiệp và du lịch, giữa kinh tế và quốc phòng, giữa nhiệm vụ của một hòn đảo tiền tiêu với việc nâng cao đời sống người dân trên đảo…

Tất cả những điều đó đều nhằm hướng tới sự phát triển hài hòa của đảo Lý Sơn-một hòn đảo không chỉ có vị trí chiến lược trên biển, là “tấm lá chắn” cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất, mà còn đủ khả năng để trở thành một “thiên đường trên biển”. Với tất cả những điều đó, Lý Sơn cần một quy hoạch và một tầm nhìn mà “nhà quy hoạch” phải là Nhà nước Trung ương, phối hợp với Nhà nước cấp tỉnh.

Trước mắt, Lý Sơn cần một cuộc hội thảo thực sự khoa học và toàn diện để làm rõ những vấn đề của hòn đảo này và khả năng phát triển của nó, cùng những quy hoạch khả thi cho nó.
Với vị trí đặc biệt của Lý Sơn, sự đầu tư một cách đồng bộ, căn cơ cho đảo là cần thiết. Và chuẩn bị tầm nhìn phát triển cho Lý Sơn cũng rất cần thiết.

Thanh Thảo
 


.