Lấy lại hình ảnh trong sáng

03:03, 20/03/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngày 24.2, Bộ GD-ĐT chính thức công bố các môn thi tốt nghiệp THPT với 4 môn, gồm hai môn bắt buộc Toán, Ngữ văn và hai môn tự chọn. Hai môn tự chọn được chọn trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử và Ngoại ngữ. Học sinh được phép chọn 2 môn thi theo nguyện vọng cá nhân.

TIN LIÊN QUAN

Như vậy, kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm nay đã có thay đổi theo hướng giảm nhẹ môn thi cho học sinh, và cho phép học sinh có quyền chọn lựa ở hai môn không bắt buộc.

Trước hết, việc tự chọn hai môn này tạo tâm lý thoải mái cho học sinh. Các em có thể chọn hai môn nào mình tự thấy học được nhất, có thể làm bài thi tốt nhất, và hai môn ấy chuẩn bị tạo đà cho mình ở kỳ thi đại học sắp tới.

Chưa thể kiểm chứng, việc kỳ thi tốt nghiệp trung học “nhẹ đi” có làm cho việc học thi của học sinh “nhẹ” đi không, nhưng dù sao, sự thay đổi này của Bộ GD&ĐT vẫn là một thay đổi tích cực, để tiến tới có thể bỏ kỳ thi tốt nghiệp PTTH, mà chỉ còn giữ lại kỳ thi tuyển sinh vào đại học.

Từ nhiều năm nay, việc học sinh học quá nhiều, học quá tải, trong khi chất lượng học không được nâng cao, đã khiến không chỉ phụ huynh, mà cả xã hội bức xúc. Nhìn con em mình học suốt ngày đêm, học không còn chỗ cho các hoạt động ngoại khóa khác, học không còn thời gian chơi, dù là chơi thể thao, thật khó để cầm lòng. Ngày trước, thế hệ chúng tôi (nay ở tuổi ngót 70) chỉ học chính khóa trong một buổi, không phải học thêm, nếu học buổi sáng thì buổi chiều hoặc là sinh hoạt ngoại khóa ở trường, hoặc là tham gia các hoạt động thể thao, hoặc là…chơi. Buổi tối dành cho việc tự học. Với lịch học như thế, không thể nói học sinh hồi ấy học kém được.

Bây giờ thì lịch học ấy đã thành…không tưởng. Các em học sinh bây giờ, nhiều khi thời gian nghỉ để…thở cũng khó, làm gì còn thời gian để đá bóng, đánh bóng bàn, bóng chuyền hay tập các môn thể dục nâng cao sức khỏe. Học như học sinh bây giờ ở cấp phổ thông thì việc bảo đảm sức khỏe cho cuộc “marathon-học-đường” ở bậc đại học và cao hơn nữa, là rất khó khăn. Sự cân bằng giữa phát triển thể chất và phát triển tinh thần cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Chắc chắn, cách học và lịch học như thế không hề có ở những quốc gia có nền giáo dục tiên tiến và phát triển. Học nhồi nhét dẫn tới những kỳ thi ép buộc. Và những tiêu cực trong các kỳ thi ở Việt Nam đã thành chuyện phổ biến. Điều đó lấy đi hình ảnh trong sáng của nền giáo dục, nhất là giáo dục phổ thông.  

“Làm sao để lấy lại hình ảnh trong sáng cho nền giáo dục”-Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã trăn trở như vậy. Nói như vậy cũng có nghĩa: Ngành giáo dục đã từng có thời gian tạo được cho mình một “hình ảnh trong sáng”, và rồi cũng đã từng có thời gian, hình ảnh ấy bị lu mờ. Nay thì quyết tâm lấy lại.

Phụ huynh và nhân dân ủng hộ Bộ GD&ĐT trong quyết tâm “lấy lại hình ảnh trong sáng” cho nền giáo dục. Vì ai cũng biết, nếu ngành giáo dục thiếu đi sự trong sáng trong dạy và học, thì con em mình làm sao được lớn lên và học tập trong một môi trường trong sáng, lành mạnh cho được?

Đây phải được coi là một cuộc cải cách toàn diện, một sự canh tân trong ngành giáo dục và trong cả nền giáo dục, để việc dạy và học trở nên thực chất, hiệu quả, cân bằng, nhằm phát triển toàn diện cho học sinh thành những con người bình thường có ích cho xã hội, cho đất nước.   

 

Thanh Thảo
 


.