Đỉnh cao và vực sâu

09:01, 19/01/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Báo cáo từ các tỉnh, thành trong cả nước cho biết, mức thưởng Tết năm nay vẫn như mọi năm, không có đột biến. Tuy nhiên, bất chấp khủng hoảng kinh tế vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi, một số doanh nghiệp vẫn “thưởng khủng”. Có đơn vị, người được thưởng cao nhất lên đến 710 triệu đồng! Riêng ở Quảng Ngãi, mức thưởng cao nhất là 120 triệu đồng, thấp nhất là 100.000 đồng. Vậy là, trong câu chuyện thưởng Tết năm nay, vẫn có những “đỉnh cao” và vẫn có nhiều “vực sâu”.

Chuyện chênh lệch về mức thu nhập trong cơ chế thị trường như hiện nay ở nước ta là chuyện bình thường. Doanh nghiệp nào làm ăn hiệu quả, biết vượt qua khó khăn bằng chính năng lực của mình thì việc họ hưởng lợi nhiều trên thành quả lao động của mình là điều nên cổ vũ. Ngược lại, doanh nghiệp nào chuyên dựa dẫm vào “bầu sữa” bao cấp lâu nay của Nhà nước, giờ ra riêng, cạnh tranh tự do nên làm ăn kém hiệu quả thì chuyện “hưởng ít” hoặc không được hưởng là chuyện dĩ nhiên.

Tuy nhiên, điều mà dư luận quan tâm hiện nay chung quanh câu chuyện thưởng Tết là ở chỗ: Những doanh nghiệp “thưởng khủng” đa số lại rơi vào các tập đoàn kinh tế Nhà nước mà sự độc quyền trong kinh doanh như là điều không phải bàn cãi. Các tập đoàn này, vì là độc quyền nên họ chẳng bận tâm gì đến việc hạ giá thành sản phẩm để nâng cao năng lực cạnh tranh mà chỉ chăm chắm vào việc “tăng giá” nếu họ cảm thấy lỗ. Mà chuyện “lỗ” hay “lãi” của các tập đoàn này cũng thiên biến vạn hóa lắm. Nay họ báo cáo lỗ nhưng mai lại báo “lãi khủng” cũng là điều không mấy ngạc nhiên. Đối với các doanh nghiệp này, vốn kinh doanh luôn được ưu tiên, thị trường tiêu thụ sản phẩm thì không phải cạnh tranh với ai, hễ lỗ thì tăng giá để bù vào, còn lãi thì… “thưởng khủng”. Đó là một nghịch lý nhưng nó luôn tồn tại như một sự dĩ nhiên.

Trong khi người lao động ở các lĩnh vực độc quyền được nhận “thưởng khủng” thì đa số những viên chức hưởng lương sự nghiệp, nhất là giáo viên ở miền núi và các vùng nông thôn thì chuyện “thưởng Tết” với họ là một khái niệm rất tượng trưng. Hình ảnh quen thuộc đối với các cô giáo vùng sâu vùng xa mỗi khi Tết về là lên gặp chủ tịch công đoàn của trường để nhận… nửa ký hạt dưa. Đây được gọi là “thưởng Tết” cho giáo viên. Năm nay, một số trường có “sáng kiến” là thưởng Tết cho giáo viên bằng dầu ăn và nước mắm! Một số doanh nghiệp còn “thưởng” cho công nhân của mình bằng chính sản phẩm mà họ đang sản xuất nhưng tiêu thụ không được!

“Thưởng Tết 100 ngàn”, chuyện khó tin nhưng lại là sự thật. Không có bà nội trợ giỏi giang nào có thể giải được bài toán “trăm ngàn” khi mang ra chợ để sắm Tết cả. Và như vậy, “đỉnh cao” và “ vực sâu” trong câu chuyện thưởng Tết không biết đến bao giờ mới có thể san lấp.                  

TRẦN ĐĂNG
 


.