Không chỉ tiêu hủy là xong

01:11, 04/11/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mới đây, Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường thuộc Công an thành phố Quảng Ngãi đã bắt quả tang một cơ sở chuyên giết thịt heo bị bệnh hoặc đã chết để bán ra thị trường. Thậm chí, cơ sở chuyên giết mổ heo chết này còn gửi cả thịt thối đi các tỉnh phía Nam để làm lạp xưởng! Điều đáng nói là, cơ sở giết mổ nói trên nằm ngay giữa lòng thành phố thuộc phường Nghĩa Lộ, đã tồn tại một cách công khai từ nhiều năm nay chứ không phải lén lút gì. 

TIN LIÊN QUAN

Thế nhưng cơ quan chức năng, nhất là cán bộ quản lý ở cơ sở như tổ dân phố hoặc công an khu vực vẫn không phát hiện thì là quá lạ. Giết heo, dĩ nhiên là heo phải kêu vang xóm, ở đây, heo bị “chọc tiết” mà vẫn im ru vì hoặc là heo đã chết hoặc là sắp chết vì bệnh nên không kêu nổi, ấy thế mà bà chủ của cơ sở này không gặp bất cứ một sự “săm soi” nào của cơ quan chức năng. Mãi đến khi Công an bắt quả tang 3 người đàn ông chở heo chết đi tiêu thụ thì mới phát hiện có cái cơ sở giết mổ kỳ quặc nói trên.
 

Ai cũng biết, một khi heo bị bệnh, người nuôi heo rất xót của nên tìm cách bán đổ bán tháo mong gỡ gạc chút vốn. Nắm được tâm lý này, cơ sở mua heo bệnh luôn ép giá người bán. Họ mua với giá thấp nhất có thể, song khi đã mổ thịt rồi thì lại bán với giá cao nhất có thể. Kinh doanh mua bán heo bệnh hoặc heo đã chết, có thể nói là siêu lợi nhuận. Nhưng đây cũng là hành vi rất phi nhân tính, không chỉ là chuyện lợi nhuận mà là chuyện gieo họa cho đồng loại của mình. Vì lợi nhuận, người giết mổ heo chết hoặc heo bị bệnh bất chấp những hiểm nguy từ hành vi của mình đang mang lại cho cộng đồng. Rất khó để có thể bao biện gì cho việc bán thịt heo chết ra thị trường. Bán “thịt tươi” còn có thể bị phát hiện, nhưng dùng thịt heo chết để chế biến cả lạp xưởng thì người tiêu dùng chịu thua rồi.

Trở lại với vụ phát hiện cơ sở giết mổ heo chết tại phường Nghĩa Lộ. Một cán bộ của Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường cho biết đã phối hợp với các ngành chức năng lập biên bản và đề nghị chủ cơ sở cùng với Công ty môi trường đô thị tiến hành tiêu hủy số thịt lợn giết mổ không đảm bảo chất lượng. Xử lý như thế thì quá “nhẹ nhàng”! Cùng lắm là phạt cơ sở này bằng tiền theo quy định rồi “cho qua” là xong. Đợi “nguôi ngoai” thời gian, họ sẽ trở lại giết mổ heo chết và bán cho cộng đồng, tiếp tục gieo họa cho người tiêu dùng. Để ngăn ngừa mối hiểm họa từ chuyện bán thịt heo thối, cơ quan chức năng không nên dừng lại ở việc tiêu hủy heo chết rồi xử phạt hành chính mà phải truy tố những đối tượng này thì mới mong chấm dứt hành vi thiếu tính người này.

TRẦN ĐĂNG
 


.