Tưởng niệm 149 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Trương Định

02:08, 18/08/2013
.

(QNĐT)- Sáng 18.8, tại đền thờ Trương Định ở xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, Sở VH-TT&DL đã tổ chức lễ dâng hương, tưởng niệm 149 năm ngày Anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết. Dự lễ và dâng hương có đồng chí Lê Quang Thích- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

TIN LIÊN QUAN

Anh hùng dân tộc Trương Định sinh năm 1820, người làng Tư Cung, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh. Năm 24 tuổi (1844), ông theo cha vào Nam, chiêu mộ dân cày, khẩn hoang lập ấp trở thành bậc tiền hiền mở đất khai cơ ở vùng Tân An- Định Tường. Nước nhà nguy biến, năm 1854, Trương Định xuất tiền của chiêu mộ dân nghèo lập đồn điền Gia Thuận. Ông được phong chức Phó Quản cơ, rồi Quản Cơ. Tháng 2.1859, khi quân Pháp tấn công thành Gia Định, Trương Định đem quân đồn điền tham gia chống giặc ngoại xâm cùng quân triều đình, lập được nhiều chiến công.

Năm 1862, triều đình ký hòa ước Nhâm Tuất, giao 3 tỉnh miền Đông cho Pháp, hạ lệnh cho Trương Định bãi binh và đi nhận chức Lãnh binh ở An Giang. Theo yêu cầu của nhân dân và các nghĩa sĩ, Trương Định đã khước từ lệnh của triều đình và nhận danh hiệu Bình Tây Đại Nguyên Soái, tiếp tục cuộc chiến đấu chống giặc Pháp.
 

Tiến hành nghi lễ trước bàn thờ Trương Định
Tiến hành nghi lễ trước bàn thờ Trương Định

 

Rạng sáng 20.8.1864, giặc Pháp bất ngờ bao vây đánh úp nghĩa quân tại Đám Lá Tối Trời, nay thuộc huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Trương Định bị trọng thương. Không để rơi vào tay giặc, ông đã rút gươm tự sát để bảo toàn khí tiết người anh hùng – Năm ấy ông tròn 44 tuổi.
 
Sau khi Trương Định tuẫn tiết, thi hài ông được gia đình và nhân dân mang về an táng rất trọng thể tại một địa điểm nay thuộc thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Năm 1964, ngôi mộ được tu bổ khang trang và giữ nguyên dáng dấp đến ngày nay dù đã qua nhiều lần trùng tu. Đến năm 1972 đền thờ ông cũng được xây dựng trên đất Gò Công.

Cuộc khởi nghĩa, chiến đấu chống giặc Pháp xâm lược của Trương Định chỉ trong thời gian ngắn nhưng đã trở thành điểm son ngời sáng trong lịch sử dựng nước, giữ nước và chống ngoại xâm của dân tộc ta.
 
Ở quê nhà, sau ngày Trương Định hy sinh, triều đình Huế đã cho xuất tiền xây dựng đền thờ ông tại làng Tư Cung, nơi ông sinh trưởng và giao cho các quan tỉnh Quảng Ngãi tế tự hàng năm. Tuy nhiên trong chiến tranh, ngôi đền đã bị hư hại.

Năm 2007, thể theo nguyện vọng của nhân dân và để tỏ lòng tri ân người anh hùng đã hy sinh vì nghĩa lớn, huyện Sơn Tịnh và tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư xây dựng lại đền thờ Trương Định để làm nơi hương khói, thờ phụng người anh hùng.
 
 
Lãnh đạo tỉnh dâng hương trong lễ tưởng niệm
Lãnh đạo tỉnh dâng hương trong lễ tưởng niệm

 

Hằng năm, Lễ tưởng niệm, dâng hương anh hùng dân tộc Trương Định nhằm tưởng nhớ về cội nguồn, công đức của tiền nhân đối với dân tộc và đất nước. Đồng thời, giúp tuổi trẻ hôm nay có nhận thức sâu sắc thêm về truyền thống yêu nước, tinh thần chống ngoại xâm của dân tộc ta.

 
Tại lễ tưởng niệm 149 năm ngày anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết, các đại biểu cùng nhân dân xã Tịnh Khê đã kính cẩn nghiêng mình và thắp nén hương tưởng niệm người con ưu tú của quê hương Quảng Ngãi.

 

Tin, ảnh: Thanh Phương


.