Cái giá của sự dũng cảm

02:08, 18/08/2013
.

*TRẦN ĐĂNG


(QNĐT)- Phát biểu tại buổi lễ khen thưởng cho 3 nhân viên y tế Bệnh viện Hoài Đức (Hà Nội) hôm 16.8, ông Nguyễn Văn Yên, phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng “đây là phần thưởng ghi nhận sự dũng cảm, không đặt vấn đề tiền”.

TIN LIÊN QUAN


Vậy cái giá của “sự dũng cảm” của 3 chị Hoàng Thị Nguyệt, Phan Thị Nam Đông và Khuất Thị Định là bao nhiêu? Là 960.000đ, chia ra mỗi người chị được 320.000đ! Sẽ rất khó tin với con số trên dành để khen tặng cho “sự dũng cảm”, dù vị lãnh đạo ngành y tế Hà Nội khẳng định “không đặt vấn đề tiền”. Những ai trực tiếp chứng kiến buổi lễ hoặc xem bản tin trên tivi tối 16.8 thì thấy, dường như ngành y tế Hà Nội khen cho xong chuyện, khen để trấn an dư luận hơn là khen vì xuất phát từ tấm lòng và trách nhiệm trước việc làm cao đẹp của các chị.

chị Hoàng Thị Nguyệt- người đã dám chấp nhận rủi ro để đưa sự thật của Bệnh viện Hoài Đức ra ánh sáng
Chị Hoàng Thị Nguyệt- người đã dám chấp nhận rủi ro để đưa sự thật của Bệnh viện Hoài Đức ra ánh sáng. Ảnh Internet


Cả 3 chị, đặc biệt là chị Hoàng Thị Nguyệt- người đã dám chấp nhận rủi ro để đưa sự thật của Bệnh viện Hoài Đức ra ánh sáng, đã khóc rất nhiều trong buổi lễ nhạt nhẽo ấy. Chắc chắn, những giọt nước mắt kia không phải là kết quả của niềm vui sướng khi việc làm của chị cùng các đồng nghiệp đã được lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội ghi nhận mà là sự tủi thân.

Dĩ nhiên, các chị tố cáo những việc làm khuất tất, phi nhân tính của lãnh đạo Bệnh viện Hoài Đức không phải xuất phát từ động cơ là sẽ được khen mà đó là hành động xả kỷ của những lương tri thức tỉnh. Họ dám chấp nhận những rủi ro xấu nhất sẽ đến với mình nếu như việc tố cáo của các chị bị chìm khuất trong bóng tối che giấu tệ hại của lãnh đạo ngành y tế.

Tuy nhiên, dù là xuất phát từ động cơ như thế nào đi nữa thì việc khen thưởng qua loa của lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cũng rất khó chấp nhận. Người xưa nói “của cho không bằng cách cho”, ở đây “của cho” đã quá nực cười với cả con số lẻ là 320.000đ mà “cách cho” cũng thật kém văn minh.

Một thanh niên dũng cảm “bắt cướp” được thưởng “nóng” hàng triệu đồng, một cảnh sát giao thông vì  muốn tay anh ta khỏi nhúng chàm, ngân sách đã phải chi 5 triệu đồng mỗi tháng, gọi là tiền “dưỡng liêm”, vậy mà “cứu” cả một ngành y tế khỏi ê chề của 3 chị, ngày vinh danh chỉ nhận được những giọt nước mắt thôi sao?

Buổi vinh danh các chị, với cung cách “thưởng” như thế, buộc người ta có quyền nghi ngờ về sự chân thật của những người lãnh đạo ngành y tế Hà Nội./.
 


.