Bằng cấp và thực học

01:12, 14/12/2010
.

(QNg)- Việc Đà Nẵng nói "không" với bằng tại chức trong tuyển chọn công chức đang gây một cuộc tranh luận khá sôi nổi. Phía tuyển chọn có cái lý của họ, vì để bảo đảm chất lượng cho công chức trong bộ máy Nhà nước, nên với những người sinh từ năm 1970 về sau, nếu không có bằng chính qui sẽ không được dự tuyển vào ngạch công chức.

Phía phản bác càng có lý hơn, vì đào tạo tại chức là một trong những qui trình đào tạo được Nhà nước chính thức công nhận, vả lại, khi bằng tại chức đã được công nhận có giá trị pháp lý, thì không vì lý do gì nó không được xem xét như một bằng cấp trong những cuộc tuyển chọn có xét tới bằng cấp. Nếu cứ "cãi nhau" như vậy thì không biết tới bao giờ mới ngã ngũ, và tấm bằng tại chức vốn từ trước nay đã không được tôn trọng dù được công nhận, nay lại càng mất giá và có thể trở nên vô giá trị khi người ta không coi nó là một trong những cơ sở  pháp lý trong việc tuyển chọn công chức.

Nói cho nhanh, thì nếu cả nước cùng làm như Đà Nẵng, loại hình đào tạo tại chức sẽ chính thức bị "khai tử" tại Việt Nam. Trong khi trên khắp thế giới, loại hình đào tạo này vẫn tồn tại và phát triển, thậm chí được làm phong phú thêm bởi nhiều hình thức học tại chức. Bởi, mục đích của các nước khi công nhận và phát triển loại hình đào tạo này không nhằm vào "tấm bằng" để " hợp thức hoá" người sở hữu nó vào bất cứ cái gì, ngoài chuyện tấm bằng đây là một chứng nhận người học đã phấn đấu để hoàn thành chương trình học, và đã thi tốt nghiệp. Học tập là công việc cả đời người. Chả thế mà có những cụ già đã 70,80 tuổi vẫn hồn nhiên cắp sách đến trường, từ bậc trung học tới bậc đại học. Dĩ nhiên, các cụ già ấy không thể thi vào đại học chính qui, mà họ chỉ có thể theo các chương trình học tại chức hoặc từ xa. Họ cũng không học để làm công chức Nhà nước, mà đơn giản, học đối với họ là một nhu cầu tự thân, thu nhận kiến thức với họ là một niềm vui, có thể là niềm hạnh phúc nữa.

Nhưng với những người trẻ tuổi, không phải do thiếu năng lực học tập mà thiếu điều kiện để học tập chính qui, thì các loại hình đào tạo tại chức mở cho họ những cánh cửa để thu nhận kiến thức và mở cho họ hy vọng được làm việc đúng với khả năng của mình. 

Nếu các cơ sở tuyển chọn người làm việc, tuyển chọn công chức đều đặt yêu cầu thực học và thực hành lên trên bất cứ loại bằng cấp nào, thì việc sát hạch hay thi tuyển sẽ trở nên rất bình thường. Có đủ những cơ sở hay những tiêu chuẩn để xét hay thi tuyển, và thí sinh dù có bằng cấp chính qui hay tại chức đều bình đẳng trước hội đồng tuyển chọn. Đặc biệt là hội đồng ấy phải hết sức vô tư và không chấp nhận bất cứ hình thức "chạy" nào để "lọt qua cửa".

Nếu được như vậy, thì dù bằng tại chức hay chính qui, thí sinh cũng đều hồ hởi dự thi và nếu có rớt, họ cũng không còn gì để phàn nàn hay ấm ức. Tuyển chọn người làm việc dựa trên thực học đã có từ thời phong kiến, dù nó không thực sự phổ biến. Ngày nay, khi mọi cánh cửa vào lâu đài kiến thức đã mở ra cho tất cả mọi người, khi mọi người đều có cơ hội học tập, thì đừng vì lý do một tấm bằng mà ngăn cản những người thực học, thực tài có cơ hội đóng góp cho đất nước. Bởi quá vụ vào bằng cấp, chúng ta mới đi từ thái cực này sang thái cực khác một cách khó hiểu như vậy!

Thanh Thảo

.