Mãi yêu nghề báo

01:06, 21/06/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Nghề báo là nghề cao quý nhưng đầy gian nan, thử thách. Tình yêu, niềm đam mê và trách nhiệm với nghề đã tiếp sức cho những người làm báo vượt qua mọi gian khó, vững bước trên những chặng đường tác nghiệp. Những trang phóng sự, những bài phản ánh, hay dù chỉ là một bản tin... đều thể hiện trách nhiệm của người làm báo, với mong muốn chuyển tải thông tin đến bạn đọc một cách chân thật, kịp thời và sinh động nhất. Chúng tôi, những phóng viên báo Đảng đã, đang và sẽ mãi yêu nghề báo, không ngừng nỗ lực để làm tròn sứ mệnh của người làm báo cách mạng.

 [links()]

 

Phóng viên các cơ quan báo chí đang tác nghiệp.                    Ảnh: Phạm  Danh
Phóng viên các cơ quan báo chí đang tác nghiệp. Ảnh: Phạm Danh
Hạnh phúc khi về với cơ sở
 
Vào một ngày đầu tháng 3/2017, tôi đến toà soạn Báo Quảng Ngãi trong tâm trạng háo hức của một người mới bước vào nghề. Sự lạ lẫm và bỡ ngỡ là những gì tôi gặp ngay trong ngày đầu đi thực tế. Sự tận tình chỉ bảo của các anh chị đi trước, cùng với niềm đam mê đã tiếp cho tôi thêm động lực.
 
Trong những chuyến tác nghiệp, tôi ghi lại hình ảnh về những người dân vùng cao nỗ lực vượt qua khó khăn, người nông dân chăm chỉ, cần cù làm giàu trên vùng đất khó; thầy, cô giáo nhiều năm cắm bản; học sinh đi bộ cả ngày đường để đến trường... Tất cả những điều đó, chỉ có thể thấy được khi đến tận nơi, từ ấy, vốn hiểu biết và sự thấu hiểu trong tôi được nhân lên.
 
Phóng viên Trung Ân cùng người dân làng Gò Cỏ, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ).
Phóng viên Trung Ân cùng người dân làng Gò Cỏ, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ).
Nghề báo giúp tôi được trải nghiệm nhiều điều mới lạ, đưa tôi đến khắp các vùng quê mà trước đó tôi chưa một lần đặt chân đến. Sau mỗi chuyến đi, hành trang tôi mang về là trải nghiệm, khám phá nét đẹp văn hóa, tình cảm mộc mạc của người dân địa phương dành cho mình và cả những kỷ niệm, cảm xúc không thể nào quên. Đó là những quả chôm chôm được mùa của bác nông dân dúi vào tay với nụ cười rạng ngời; là những dòng tin nhắn, cuộc gọi với lời cảm ơn của nhân vật khi bài viết được đăng báo; là những bữa cơm dân dã nhưng ấm tình của người dân; là gương mặt mong đợi của các em nhỏ khi chờ nhận chiếc cặp, chiếc áo mới...
 
Tôi không thể nhớ mình đã có bao nhiêu chuyến đi, bao nhiêu tin, bài được đăng báo. Nhưng cho đến lúc này, mỗi lần đi cơ sở viết bài xong gửi tòa soạn, tôi vẫn còn nguyên cảm xúc háo hức chờ đọc bài của mình trên báo. Và những chuyến đi cơ sở nào cũng mới mẻ như chuyến đi đầu tiên.
 
Gian nan phóng viên nội chính
 
Tôi được lãnh đạo phòng giao nhiệm vụ viết bài về lĩnh vực nội chính. Điều tôi cảm thấy khó nhất khi viết về lĩnh vực nội chính là cơ sở pháp lý của thông tin trong bài viết không dễ tìm và càng gian nan hơn khi phải làm sáng tỏ đúng sai, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. Tôi cho rằng, viết như vậy là “bơi ngược dòng” và phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, áp lực.
 
Phóng viên Bá Sơn tác nghiệp tại huyện miền núi Trà Bồng.
Phóng viên Bá Sơn tác nghiệp tại huyện miền núi Trà Bồng.
Trong quá trình viết bài về lĩnh vực nội chính, tôi đã có một số bài viết góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân. Điển hình như các bài “Hành trình đến bờ vực thẳm của một chủ khách sạn”, “Một vụ thi hành án bất minh”... phản ánh về những khuất tất trong quá trình kê biên, định giá và đấu giá tài sản để thi hành án. Khi bài báo đăng, cơ quan chức năng đã tạm dừng thi hành án và tạo điều kiện cho đương sự tìm đối tác sang nhượng tài sản đúng với giá thị trường để thi hành án.
 
Việc “bơi ngược dòng” là hết sức gian nan. Khi đặt bút viết tôi hết sức cân nhắc, cẩn trọng đến từng câu chữ, đối chiếu từng chi tiết thông tin với các văn bản luật và với các tư liệu mình có. Bởi chỉ cần một chi tiết sai thì cả bài viết dù đầu tư công phu đến đâu chăng nữa cũng coi như "phá sản". Đứng trước những vụ việc phức tạp có nhiều thông tin trái chiều, tôi luôn đặt ra các câu hỏi  “liệu cơ sở pháp lý thông tin về vụ việc có đảm bảo không?”, "nếu viết ngược quan điểm xử lý vụ việc của cơ quan chức năng thì chuyện gì sẽ xảy ra?”...
 
Niềm vui, hạnh phúc của phóng viên phụ trách lĩnh vực nội chính là góp phần làm rõ đúng sai, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân, đồng thời góp phần nâng cao uy tín của Báo Quảng Ngãi - cơ quan tôi đang công tác.        
 
 
Niềm vui với nghề 
 
Tôi gắn bó với nghề báo đã hơn 20 năm. Mặc dù gặp nhiều gian nan nhưng tình yêu nghề đã giúp tôi vượt qua. Với tôi, phần thưởng lớn từ nghề báo chính là sự trải nghiệm, tạo ra niềm vui trong công việc. Ở những nơi đặt chân đến, tôi đều viết bài đăng trên báo bằng cả trái tim, để khi quay trở lại những nơi này, gian khó đã lùi bước, niềm vui rạng rỡ trên khuôn mặt của người dân. Tôi nghiệm ra rằng, mình đã tìm thấy niềm vui trong những gian nan, vất vả với nghề. 
 
 Niềm vui của người dân ở Làng Tốt, xã Ba Lế (Ba Tơ) sắp thành hiện thực khi cầu Nước Lếch đang trong giai đoạn hoàn thiện.                    Ảnh: CTV
Niềm vui của người dân ở Làng Tốt, xã Ba Lế (Ba Tơ) sắp thành hiện thực khi cầu Nước Lếch đang trong giai đoạn hoàn thiện. Ảnh: CTV
Tôi nhớ mãi chuyến đi thứ 3 về thôn Làng Tốt, xã Ba Lế (Ba Tơ) vào tháng 9/2020. Buổi trưa, chúng tôi đi xe máy từ trung tâm huyện đến Làng Tốt, ở lại một đêm và sáng hôm sau mới trở về. Đêm ấy, mưa rất to. Nước tràn vào nơi ngủ, cả đêm chúng tôi thức cùng con nước. Sáng ra, nước suối Nước Lếch dâng cao, chúng tôi phải chờ nước rút mới qua suối được.
 
Tôi về Làng Tốt 3 lần và đều gặp phải mưa to, đều ở lại với làng vì nước suối dâng cao. Đường về Làng Tốt chưa bao giờ tốt. Người Làng Tốt vì thế chịu bao vất vả. Những điều ấy, tôi đã viết trong bài báo. Sau khi báo đăng, dự án Đường và cầu Nước Lếch, thôn Làng Tốt, đã được huyện Ba Tơ đầu tư. Tôi mừng cho người trong làng, nhất là thầy và trò điểm trường Làng Tốt. Tôi dõi theo, chờ đợi ngày suối Nước Lếch nối nhịp bờ vui.
 
Phóng viên Thanh Nhị cùng người dân ở Làng Tốt ngồi trên bờ suối Nước Lếch chờ nước rút để qua suối (Ảnh chụp tháng 9/2020).
Phóng viên Thanh Nhị cùng người dân ở Làng Tốt ngồi trên bờ suối Nước Lếch chờ nước rút để qua suối (Ảnh chụp tháng 9/2020).
Mới đây, các anh em thi công cầu Nước Lếch đã gửi cho tôi mấy tấm ảnh chụp hiện trạng công trình. Xem ảnh, tôi hiểu niềm vui mà người dân Làng Tốt ngày đêm mong đợi và cả tôi nữa, sắp đến rồi. Dự kiến tháng 7/2022, công trình sẽ hợp long. Nghĩ đến cảnh con nước hung dữ, cuồn cuộn chảy gây cô lập, chia cắt Làng Tốt sẽ không còn nữa, tôi thấy vui và có thêm động lực để miệt mài cầm bút...
 
 
Trưởng thành sau mỗi chuyến đi
 
Với những người làm báo, Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6) có ý nghĩa đặc biệt, với tôi cũng vậy. Niềm vui Ngày Báo chí cách mạng năm nay được nhân đôi khi tác phẩm “Điểm tựa của trẻ mồ côi” của tôi vinh dự đoạt giải A trong Cuộc thi viết phóng sự, ký sự lần thứ I - năm 2021 trên Báo Quảng Ngãi.
 
Trong một chuyến công tác ở huyện Sơn Tây, tôi biết được thông tin Hội LHPN huyện đang thực hiện chương trình “Mẹ đỡ đầu” cho trẻ mồ côi. Thoạt đầu, tôi chỉ nghĩ viết bài phản ánh về hoạt động này, nhưng khi tìm hiểu, tôi nhận thấy có những câu chuyện cảm động, đầy tính nhân văn từ những “người mẹ đặc biệt” này. Trong đó, có Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Tà Vây (xã Sơn Long) Đinh Thị Thiên. Người phụ nữ mới 22 tuổi này giàu tình yêu thương đối với trẻ mồ côi. 
 
Phóng viên Hồng Hoa trong chuyến tác nghiệp tại xã Long Môn (Minh Long).                   Ảnh: PV
Phóng viên Hồng Hoa trong chuyến tác nghiệp tại xã Long Môn (Minh Long). Ảnh: PV
Đây là nhân vật chính tạo cảm xúc để tôi viết nên tác phẩm mang giá trị nhân văn sâu sắc. Ngoài chị Thiên, còn nhiều cán bộ phụ nữ các cấp trên địa bàn huyện Sơn Tây đã chung tay giúp đỡ, làm mẹ đỡ đầu của trẻ mồ côi. Dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng các chị vẫn dang rộng vòng tay để giúp đỡ, yêu thương những đứa trẻ mồ côi. Họ đã mang yêu thương từ trái tim ấm áp lan tỏa ra cộng đồng. Khi thực hiện tác phẩm, tôi đã cố gắng truyền tải được thông điệp, tình cảm của nhân vật. Tôi đã đi lại nhiều lần, trò chuyện, dõi theo hành động của nhân vật. Quá trình lấy tư liệu cũng rất vất vả, bởi nhân vật mà tôi muốn gặp ở vùng không có sóng điện thoại. Nhưng rồi, chính sự nhiệt thành của những con người bình dị nhưng đầy tình yêu thương ấy đã tiếp cho tôi thêm động lực, bao mệt nhọc tan biến.
 
Trong thời gian làm báo, được rong ruổi trên khắp các con đường, về các thôn, xóm, ngôi làng xa xôi còn nhiều khó khăn... với tôi đó là những kỷ niệm khó quên. Qua mỗi chuyến đi tác nghiệp giúp tôi trưởng thành hơn. Nghề báo đã cho tôi cơ hội được gặp những con người rất đỗi đời thường, bình dị nhưng lại có tấm lòng cao quý. Từ đó, giúp tôi có thêm động lực để tôi phấn đấu vượt qua mọi khó khăn để gắn bó với nghề báo. 
 
 
 
TRUNG ÂN - BÁ SƠN - THANH NHỊ - HỒNG HOA
Xuất bản lúc: 01:06, 21/06/2022