Chúng tôi đi và viết

04:06, 21/06/2020
.

 

(Báo Quảng Ngãi)- Cùng ra tuyến đầu chống dịch. Hòa mình giữa sóng gió Trường Sa. Không quản ngại đến với những miền đất khó... Chúng tôi đã đi, cảm nhận và viết, với mong mỏi truyền đi những thông tin chân thực nhất, kịp thời nhất, sinh động nhất đến với những độc giả của mình.

Đến với Trường Sa và Nhà giàn DK1
 
Trong hai chuyến hải trình thăm, tặng quà và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) và 10 Nhà giàn DK1 thuộc thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc (Bà Rịa - Vũng Tàu) vào năm 2018 và 2019, tôi đã chứng kiến và hòa mình vào không khí tác nghiệp hăng say của các nhà báo trong điều kiện khắc nghiệt nơi tuyến đầu Tổ quốc.
 
Vượt ngàn hải lý đến với Trường Sa hay Nhà giàn DK1, mỗi ngày các phóng viên trong đoàn công tác đều cố gắng dậy từ 5 giờ sáng, dù đầu óc vẫn quay cuồng trong những cơn say sóng, để chuẩn bị thiết bị tác nghiệp. Chúng tôi cũng là những người lên đảo sớm nhất và rời đảo sau cùng để có thể ghi lại trọn vẹn những khoảnh khắc quý giá về cuộc sống, tâm tư tình cảm của quân và dân nơi hải đảo xa xôi. 
Phóng viên Xuân Hiếu tác nghiệp tại đảo An Bang, quần đảo Hoàng Sa.
Phóng viên Xuân Hiếu tác nghiệp tại đảo An Bang, quần đảo Trường Sa.
Sau mỗi chuyến lên đảo, lên nhà giàn rồi về tàu, các phóng viên lại tiếp tục công việc, trích xuất dữ liệu, chuẩn bị cho kế hoạch làm việc ngày hôm sau hoặc viết bài để khi có mạng Internet có thể gửi về tòa soạn kịp thời. Do điều kiện phòng trên tàu không có chỗ ngồi làm việc, để tiết kiệm diện tích, giường tầng rất thấp, có phóng viên đã luyện được “tuyệt chiêu” nằm đánh máy, đơn cử như phóng viên Trường Phong của báo Tiền Phong.
 
Trong suốt hành trình hơn 20 ngày giữa biển khơi không Internet, không sóng điện thoại, nên việc kết nối với đất liền gần như bị gián đoạn. Khi tàu neo gần đảo cũng là lúc mạng di động Viettel bắt đầu xuất hiện. Tuy nhiên, do mạng yếu, sóng chập chờn nên việc gửi tin, bài về toà soạn là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Dù vậy cũng đã có không ít những tác phẩm báo chí đã được “thai nghén”, hình thành ngay trên tàu, do tính thời sự và sự cập nhật tin tức trong xu hướng làm báo công nghệ 4.0.
 
Chúng tôi vẫn nhớ về những đêm cùng nhau thức đến nửa đêm, khi ít người dùng điện thoại, mạng khoẻ hơn để leo lên boong tàu ngồi “canh sóng”. Hầu như đêm nào tôi và phóng viên Hằng Nga - Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh cũng được leo lên khu vực phía trên buồng lái chính của tàu để gần với trạm thu phát sóng hơn. Ấy vậy mà đêm nào may mắn thì cũng chỉ gửi được vài tấm ảnh về toà soạn là tôi đã mừng rơi nước mắt. Có những hôm dù thức trắng đêm, nhưng vẫn không bắt được sóng. Đấy là với những nhà báo làm báo in, cơ hội có bài kịp tiến độ như thế đã được gọi là may mắn. Còn đối với các đồng nghiệp mảng truyền hình thì việc gửi tác phẩm về trong quá trình tác nghiệp ở Trường Sa là nhiệm vụ “bất khả thi”, chỉ đành cố gắng quay lại thật nhiều thước phim để sau này về sử dụng.
 
Ngoài nhiệm vụ chính, những phóng viên, nhất là phóng viên nữ đến Trường Sa và Nhà giàn DK1 bằng tình cảm giản dị, gần gũi như những người chị, người em ở đất liền ra thăm đảo. Được lắng nghe, chia sẻ thực tế đời sống sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ trên đảo, trên nhà giàn nên các phóng viên nữ trong đoàn đã tạo cho mình nhiều cảm xúc riêng về lính đảo Trường Sa, lính Nhà giàn DK1. Chẳng thế mà hành trang khi vào bờ của cánh nhà báo nữ còn có thêm những con ốc biển, hay cành san hô là quà tặng đặc biệt của người lính dành cho những nữ phóng viên đã vượt qua muôn vàn khó khăn để đến với biển đảo quê hương.
 
Đối với phóng viên nữ nói riêng và những người làm báo nói chung, khi được tác nghiệp ở Trường Sa hay Nhà giàn DK1 đó là niềm vinh dự nghề nghiệp, là những chuyến đi để đời không bao giờ quên trong cuộc đời làm báo của mình.
 
XUÂN HIẾU
  
Phóng viên vào khu cách ly tập trung phản ánh về dịch Covid-19.
Phóng viên vào khu cách ly tập trung phản ánh về dịch Covid-19.
Tác nghiệp mùa
Covid-19
 
Là phóng viên lâu năm dấn thân rất nhiều mảng ngành, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác như bị "trùng vây" giữa mùa Covid-19. Thế rồi, bằng kinh nghiệm nghề, công nghệ hỗ trợ, cùng với anh em đồng nghiệp, lãnh đạo động viên, đồng hành đã giúp tôi có những bài viết sinh động, kịp thời về Covid-19.
 
Tôi được nhận lệnh chuyển sang phụ trách chính mảng y tế đúng vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Phân vân, rồi lo lắng, nhưng tôi sớm trấn an và tự nhủ "mình là phóng viên, trong lúc nhiều người sẵn sàng ra tuyến đầu chống dịch, chẳng lẽ mình từ chối". Vậy là, tôi trở thành "phóng viên y tế" trong lúc dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp. 
Phóng viên Mai Hạ.
Phóng viên Mai Hạ.
Thời điểm đó, Chính phủ ra quyết định giãn cách xã hội. Mọi hoạt động như ngưng đọng, người từ các vùng dịch đổ về. Số lượng người nhiễm Covid-19 trong nước ngày một tăng. Ngành y tế tỉnh căng mình phòng, chống dịch. Các cửa ngõ của tỉnh đều thành lập các điểm chốt để ngăn chặn, kiểm soát y tế, tỉnh thành lập các khu cách ly tập trung, y tế... Làm cách nào để lấy thông tin? Đầu tiên lục tìm số điện thoại. Những cuộc gọi hẹn làm việc luôn bị từ chối, hoặc trả lời ngắt đoạn... Trong khi tòa soạn đang đợi thông tin. Tôi như bị áp lực giữa “trùng vây”...
 
Giữa mùa Covid-19, đồ bảo hộ, khẩu trang y tế luôn thiếu, nên chỉ dành cho người ở tuyến đầu. Phóng viên không mặc định là tuyến đầu, nhưng là người phải tiếp xúc với đối tượng tuyến đầu để lấy thông tin. Trong khi chúng tôi chỉ được trang bị mỗi chiếc khẩu trang để làm lá chắn...
 
Biết rằng vi rút Covid-19 dễ lây lan, nhưng để lấy thông tin kịp thời trấn an lòng dân, chúng tôi phải tiếp xúc với những người làm nhiệm vụ, từ những chốt chặn, nơi cách ly, đến đối tượng F1 ở bệnh viện, khu cách ly tập trung của tỉnh...
 
Mỗi chuyến đi trở về, tôi cũng lo lắng như bao người, nhưng nhờ anh em đồng nghiệp, lãnh đạo động viên, phối hợp nhịp nhàng tôi đã vững tin tiếp tục thực hiện những bài viết kịp thời, chân thực. Mùa dịch Covid-19 đi qua, tôi thấy mình trưởng thành hơn trong nghề và thấy tình đồng nghiệp lấp lánh sau những nguy nan.
 
M.HẠ 
Nước ngoài, lang thang... ký
 
Đam mê nghề nghiệp, nên cứ mỗi lần có cơ hội đi nước ngoài là tôi lại lập trình thực hiện một vài tác phẩm báo chí nào đó. Mục đích là để chia sẻ những điều thú vị nơi mình may mắn được đặt chân đến về phong tục, tập quán, văn hóa của người bản địa và cả của người Việt Nam ở đây.
 
Năm 2017, lần đầu tiên tôi có chuyến đi Lào và Thái Lan qua kết nối của những người bạn ở Hà Nội, may mắn được đến những miền đất mà tôi hằng mong ước: Thủ đô Viêng Chăn, tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) và tỉnh Udon Thani (Thái Lan). Đó là những địa danh tôi mới chỉ được biết trong sách giáo khoa, thông qua những bài học lịch sử về cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của các bộ tộc Lào trên cánh đồng Chum, dưới sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam. Rồi trên hành trình bôn ba tìm đường cứu nước, Bác Hồ đã có khoảng thời gian (1928 - 1930) sống, hoạt động tại bản Noong On, xã Chiang Phin, huyện Muong, tỉnh Udon Thani... 
Phóng viên Thanh Nhị cùng trẻ em Xiêng Khoảng (Lào).
Phóng viên Thanh Nhị cùng trẻ em Xiêng Khoảng (Lào).
Khi được thông báo về lịch trình của chuyến đi, tôi đã tìm hiểu rất kỹ về những quy định cho việc tác nghiệp báo chí như chụp ảnh, quay phim, phỏng vấn. Rồi tự học những câu nói thông dụng bằng tiếng Lào, Thái; tự kiểm tra vốn tiếng Anh ít ỏi của mình để có thể... tác nghiệp! Thế nhưng, mọi chuẩn bị, tính toán của tôi đều trở nên quá thừa, bởi tất cả những người tôi gặp, tiếp xúc, họ đều là người bản địa, nhưng rất giỏi tiếng Việt. Thế là hai bài báo cho số Tết năm 2018 của tôi qua đi một cách nhẹ nhàng, không tốn nhiều công sức như tôi tưởng.
 
Liên tiếp hai mùa báo Tết 2019, 2020, tôi lại quyết tâm trải nghiệm bằng chuyến rong ruổi ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, để tìm điều thú vị, góp chút hương vị trên tờ báo tỉnh.
 
Tôi lần lượt đến những vùng đất mang nặng dấu ấn của tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia, quê hương của xứ sở Chùa Tháp. Trên mảnh đất Campuchia, gần như nơi nào cũng thấy dấu chân của quân tình nguyện Việt Nam. Thực ra, tôi đi theo các bạn đồng nghiệp ở khắp mọi miền Tổ quốc và theo kế hoạch cá nhân, nên việc tác nghiệp tại những chuyến đi này tôi không đặt nặng. Thế nhưng, thú thực cái đam mê nghề nghiệp cứ cuốn tôi vào và quên mất rằng, mình chỉ... dạo chơi là chính. Tết 2019, tôi có bài viết "Thăm kỳ quan thế giới Angkor Wat" và năm 2020 viết bài "Khám phá làng cổ dài Karen". Tuy không phải là đặc sắc, song đó là những câu chuyện kể mang đến cho bạn đọc những thông tin về phong tục, văn hóa và con người nơi tôi đã đặt chân đến...
 
THANH NHỊ
 
Ân tình ngư dân
 
Đến các làng chài tác nghiệp, chúng tôi luôn được ngư dân đón tiếp rất chân tình, ấm áp. Từ những thông tin về diễn biến hải trình mưu sinh trên biển, tình hình lợi nhuận thu về sau mỗi chuyến biển, cách dò tìm, đánh bắt những luồng cá đạt giá trị kinh tế cao... ngư dân đều chia sẻ lại với phóng viên rất nhiệt tình, không hề giấu giếm. Thậm chí, khi phóng viên cần trực tiếp khai thác thông tin, tư liệu ngoài biển cả mênh mông, họ luôn là những người xung phong lái tàu, chèo thúng... đưa phóng viên đi tác nghiệp. Lâu ngày không thấy phóng viên về "thăm" làng chài, ngư dân còn gọi điện thoại nhắc. “Sao lâu nay không thấy con về Mỹ Á? Mỹ Á vừa rồi có nhiều tàu trúng đậm cá nục suông. Con có thời gian thì vào lấy tin con nhé”, Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường Phổ Quang Võ Xuân Cẩm từng điện thoại báo tin cho tôi như thế. 
Phóng viên Ý Thu chụp ảnh ngư dân khai thác hải sản trên biển.
Phóng viên Ý Thu chụp ảnh ngư dân khai thác hải sản trên biển.
Chính sự cởi mở, sẵn sàng chia sẻ thông tin cũng như hỗ trợ hết lòng cho phóng viên tác nghiệp của bà con ngư dân; đã giúp những thông tin thời sự về ngư dân, về biển đảo được chuyển tải kịp thời đến bạn đọc. Và cũng chính những ân tình đó, đã tiếp thêm sức mạnh, lòng yêu nghề cho những người làm báo chúng tôi.
 
Ý THU
 
Cảm ơn nghề báo
 
Mỗi chuyến đi là một trải nghiệm, để sẻ chia và biết sống yêu thương hơn... Đó là điều lắng đọng nhất trong tôi, sau hơn 10 năm theo nghề “đi và viết”.
 
Phải thú nhận, cái nghề “đi và viết” đôi lúc khiến tôi cảm thấy mệt mỏi. Nhưng nhìn lại, tôi phải cảm ơn nghề báo đã tạo cho mình nhiều cơ hội trải nghiệm qua những nơi mình đến, những người mình gặp.
 
Tháng 5.2011, lần đầu tiên tôi đến thôn Làng Ren, xã Long Môn cùng với đoàn công tác của huyện Minh Long tuyên truyền bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2011 - 2016. Đây không phải là nơi quá xa, nhưng lại là nơi in dấu trong tôi nhiều kỷ niệm nhất. Ngày ấy, thôn Làng Ren được xem là nơi “biệt lập” của huyện miền núi Minh Long, mọi thứ đều được bà con “tự cung, tự cấp”. Nguyên nhân cũng bởi đường vào Làng Ren nhỏ hẹp, đá lởm chởm, dốc cheo leo, nên dù xuất phát từ sáng sớm, nhưng phải quá trưa, chúng tôi mới đến được thôn. Dù mệt mỏi và lo lắng, nhưng cái cách tiếp đón của bà con làm chúng tôi thật sự bất ngờ: Niềm nở, thân tình và ấm áp như đón những đứa con của thôn lâu ngày trở về.
 
Hay như ông Trương Minh ở thôn Châu Me, xã Đức Phong (Mộ Đức), nhân vật mà tôi gặp và phản ánh vào tháng 5.2012. Ông là “cha đẻ” của nhà máy xử lý rác thải đầu tiên ở huyện Mộ Đức, cũng như trên địa bàn tỉnh. Mặc dù ông Minh thường bảo: “Đây không phải là nhà máy, mà chỉ là khu phân loại, tái chế và tiêu hủy rác thải gồm: Sân phơi, lò đốt có hệ thống sấy, kho chứa phế liệu, hầm ủ và hệ thống dẫn nước thải”. Tuy nhiên, giai đoạn 2012 - 2013, “nhà máy” này cũng đã xử lý hơn 20 khối rác/lần, góp phần xóa sổ “động rác” nằm giữa thôn Thạch Thang và Vân Hà. Và, để có “nhà máy” ấy, ông Minh đã mất 1 năm nghiên cứu, sau đó tự đầu tư xây dựng và vận hành với kinh phí trên 400 triệu đồng. Dù được các cấp, ngành của tỉnh và trung ương tuyên dương và hỗ trợ, giúp đỡ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhưng đáng tiếc, ông đã ra đi khi đang nghiên cứu dở kỹ thuật tối ưu hóa việc xử lý rác thải sinh hoạt. Với tôi, lão nông Trương Minh là nhân vật lắng đọng nhất trong số những nhân vật tôi từng viết.
 
Hơn 10 năm “đi và viết”, kinh nghiệm và kỷ niệm của những người làm báo trẻ như tôi, chắc chắn chưa thể nhiều và sâu như những nhà báo lão thành. Nhưng chừng ấy thời gian, qua sự nỗ lực của bản thân cũng như sự dìu dắt, giúp đỡ của anh chị em đồng nghiệp Báo Quảng Ngãi đã giúp tôi tích lũy và bổ sung được khá nhiều vốn kiến thức, cũng như tình yêu thương, quan tâm và sẻ chia... Âu đó cũng là niềm vui, là “tài sản” tôi tích cóp, cất giữ cho mình trong hành trình “đi và viết” ngót 10 năm qua.
Cảm ơn nghề báo, bởi đã giúp tôi hiểu biết và trưởng thành hơn sau mỗi bài viết.
 
MỸ HOA
 
Xuất bản lúc: 04:06, 21/06/2020