Hoạt động tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh: Cần tìm tiếng nói chung

10:04, 03/04/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Có đơn vị cho rằng, mỗi tháng chỉ tiếp nhận khoảng 10 hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC), nhưng phải bố trí chuyên viên thường xuyên có mặt tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh (Trung tâm PVHCC), để tiếp nhận, gây lãng phí thời gian và nhân lực. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, các đơn vị chưa hiểu đúng, chưa thật sự phục vụ người dân...

TIN LIÊN QUAN

Bất tiện công việc chuyên môn?

Theo thống kê của Trung tâm PVHCC tỉnh, từ tháng 1.2019, trung bình các sở: Ngoại vụ, TT&TT, KH&CN, Tài chính, mỗi tháng tiếp nhận trên dưới 10 hồ sơ/đơn vị. Ông Tạ Anh Bảo, chuyên viên Sở KH&CN cho biết: Tôi đang phụ trách hai lĩnh vực của sở là quản lý công nghệ và an toàn bức xạ nên công việc ở cơ quan khá nhiều. Trong những ngày không có công dân đến giao dịch tại Trung tâm, thì phải tranh thủ xử lý công việc mình phụ trách thông qua hệ thống phần mềm mà không cần phải về cơ quan.

Tuy nhiên, có những công việc phải trực tiếp xử lý, như tham gia hội đồng thẩm định các dự án công nghệ, nên có lúc phải xin phép vắng mặt tại Trung tâm. “Có những thời điểm khá bất tiện trong công việc, vì phải chạy đi chạy về để xử lý công việc chuyên môn ở cơ quan”, ông Bảo cho hay.

Quày tiếp nhận hồ sơ TTHC của Sở KH&CN và Sở Ngoại vụ tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh.
Quày tiếp nhận hồ sơ TTHC của Sở KH&CN và Sở Ngoại vụ tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh.


Với đặc thù là các TTHC liên quan đến yếu tố nước ngoài và các tổ chức phi chính phủ, Sở Ngoại vụ cũng có rất ít hồ sơ giao dịch tại Trung tâm. Bà Võ Thị Hải Vy, chuyên viên Sở Ngoại vụ cho hay: Số lượng hồ sơ tiếp nhận hằng tháng quá ít, nhưng phải trực thường xuyên tại quày giao dịch. Sở Ngoại vụ đã đề nghị với Văn phòng UBND tỉnh nghiên cứu để có giải pháp hợp lý hơn.

Phải đặt mục tiêu phục vụ lên hàng đầu

Theo Phó Giám đốc Trung tâm PVHCC tỉnh Nguyễn Thanh Hoài: Khi xây dựng, thực hiện cơ chế một cửa, Trung tâm đã tính toán đến những trường hợp sẽ có sở, ngành tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ TTHC thấp. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng, không có sự lãng phí thời gian, nhân lực ở đây. Bởi theo quy định, nếu không cử chuyên viên làm việc tại Trung tâm thì các sở, ngành cũng phải bố trí cán bộ trực thường xuyên để giải quyết TTHC tại bộ phận một cửa tại cơ quan, đơn vị. Hơn nữa, thời gian qua những chuyên viên được cử đến làm việc tại Trung tâm cũng tranh thủ thời gian để giải quyết công việc của cơ quan trên hệ thống phần mềm trực tuyến như ở cơ quan.

Cũng theo ông Hoài, nếu các đơn vị cho rằng có sự lãng phí về nhân lực, thì có thể họ chưa hiểu hết tinh thần, trách nhiệm của việc giải quyết TTHC. Có đơn vị muốn chuyển việc giao dịch TTHC về lại bộ phận một cửa của cơ quan như trước đây. Như thế thì việc xử lý hồ sơ của công dân không được theo dõi, giám sát chặt chẽ như tại Trung tâm PVHCC tỉnh. Thậm chí, rất có thể người dân sẽ bị gây phiền hà vì mục đích nào đó. Như vậy là đi ngược lại chủ trương đẩy mạnh cải cách TTHC của tỉnh.

"Dù vẫn còn những phát sinh cần tiếp tục phải điều chỉnh, nhưng trước mắt là duy trì bố trí chuyên viên của các sở, ngành thực hiện giao dịch tại Trung tâm PVHCC tỉnh trong vòng 6 tháng để họ hiểu hết quy trình liên thông, liên kết trong giải quyết TTHC của đơn vị mình. Mặt khác, Trung tâm cũng đang tính đến việc bố trí người của Trung tâm tiếp nhận thay hồ sơ, TTHC cho các đơn vị có số lượng ít để các đơn vị rút người về. Tuy nhiên, với biên chế hiện tại của Trung tâm là chưa thể thực hiện được", ông Hoài cho biết.

Giải quyết hồ sơ trực tuyến

Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Nguyễn Thanh Hoài cho biết: "Bưu điện tỉnh đã đề xuất sẽ thực hiện việc nhận hồ sơ TTHC thay các sở, ngành, nhưng theo Quy định 61 thì người tiếp nhận, xử lý hồ sơ TTHC phải là công chức, viên chức. Nếu các sở, ngành có số lượng hồ sơ tiếp nhận hằng tháng ít, thì cần đẩy mạnh việc xử lý hồ sơ TTHC trực tuyến, không cần thiết phải cử cán bộ thực hiện giao dịch tại Trung tâm".



Bài, ảnh: X.THIÊN

 


.