Ngồi sau vô lăng, các bà bầu cần lưu ý gì?

02:02, 17/02/2019
.

Phụ nữ mang thai thường rất hạn chế việc lái xe từ xe hơi cho đến xe gắn máy. Tuy vậy, khi lái xe hơi khi đang mang bầu, các bà mẹ phải cần hết sức chú ý những việc sau đây để bảo vệ an toàn cho sức khỏe của bản thân và em bé trong bụng.

Thắt dây an toàn

Thắt dây an toàn là việc phải làm trước khi bạn nổ máy. Đầu tiên hãy cởi bỏ áo khoác hoặc bất kì bộ quần áo nào cồng kềnh để đảm bảo có được tư thế ngồi vừa vặn. Sau đó, kéo dây an toàn qua vai, xuống giữa ngực và kéo ngang sang bên bụng.
 

 Thắt dây an toàn đúng cách là phương thức để đảm bảo an toàn cho bạn và đứa bé trong bụng.
Thắt dây an toàn đúng cách là phương thức để đảm bảo an toàn cho bạn và đứa bé trong bụng.


Phần cố định của dây đai phải được đặt ở hông, và bên dưới vòng bụng bầu thay vì ngang qua bụng, đảm bảo dây kéo căng và càng phẳng càng tốt theo đường cong của bụng. Không bao giờ đặt đai vai ở phía sau hoặc dưới cánh tay của bạn, vì điều này có thể gây thương tích nghiêm trọng trong trường hợp xảy ra tai nạn.

Điều chỉnh vị trí lái phù hợp

Di chuyển ghế ngồi của bạn theo một khoảng cách thoải mái với bàn đạp ga, lý tưởng nhất là ngồi cách tay lái khoảng 10 inch để bảo vệ bụng của bạn trong trường hợp túi khí bung ra khi xảy ra tai nạn.

Nếu vô lăng xe của bạn có thể điều chỉnh, hãy chuyển tâm của vô lăng ra khỏi phía bụng và hướng về phía ngực. Sau khi điều chỉnh vị trí ghế ngồi của bạn, hãy nhớ điều chỉnh gương chiếu hậu và gương bên ngoài. Và nếu bạn bị đau lưng, hãy đặt một chiếc gối tròn nhỏ hoặc cuộn khăn lại phía sau lưng để thoải mái hơn khi lái xe.

Giải quyết các cơn thèm ăn và buồn nôn trên xe

Thèm ăn và ốm nghén có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong ngày. Hãy nhớ mang nhiều nước và đồ ăn nhẹ yêu thích của bạn để thoả mãn những cơn thèm ăn. Để thêm cả túi nôn trong ví và ngăn đựng đồ của bạn. Và đặc biệt, luôn luôn tránh việc mất tập trung khi lái xe - hãy dừng nghỉ ở khu vực an toàn khi cơn thèm ăn kéo tới.

Chuẩn bị kỹ những vật trên sẽ giúp hành trình của bạn tự tin và thoải mái hơn. Đó cũng là cách để giữ vệ sinh cho "xế yêu" của bạn.

Trong xe không nên để nước hoa, đồ vật cứng

Nước hoa có thể là tác nhân gây ra dị ứng mùi ở mẹ bầu. Một số mẹ bầu bị dị ứng mùi có thể cảm thấy buồn nôn. Hơn nữa methanol là thành phần có trong nước hoa cũng không tốt cho mẹ bầu. Vì vậy, không nên đặt nước hoa hay túi thơm vào xe hơi. Hãy đặt vỏ cam quýt trong xe để khử mùi hôi đồng thời giúp mẹ bầu dễ chịu hơn.

Khi trên xe có chở phụ nữ đang mang thai bạn nên dẹp bớt các vật cứng dễ rơi và cất nước hoa (những loại nặng mùi)
Khi trên xe có chở phụ nữ đang mang thai bạn nên dẹp bớt các vật cứng dễ rơi và cất nước hoa (những loại nặng mùi)


Một số các đồ vật cứng cũng không nên đặt trong xe nhằm hạn chế nguy cơ tổn thương cho mẹ bầu khi có sự cố xảy ra.

 Nghỉ ngơi và hạn chế lái xe

“Bộ não khi mang thai” chịu đựng nhiều căng thẳng hơn bình thường, vì vậy hãy lên kế hoạch trước cho các chuyến đi của bạn. Nếu có thể, hãy tránh lái xe đường dài và nghỉ ngơi thường xuyên để giúp lưu thông máu ở bàn chân, bởi bàn chân và mắt cá chân sẽ dễ bị sưng hơn khi ngồi trong một thời gian dài. Vì vậy, hãy nghỉ ngơi, duỗi chân và di chuyển chân, bàn chân và các ngón chân của bạn.

Tuy nhiên, các bà mẹ mang bầu vẫn nên cố gắng tránh lái xe. Đối với họ, ghế sau ở giữa là chỗ an toàn nhất trong xe (trong trường hợp thắt dây an toàn). Nhưng, nếu bạn ngồi trên ghế hành khác phía trước, hãy kéo ghế lùi lại xa nhất có thể để bảo vệ bụng của bạn trong trường hợp túi khí bung ra.

Nếu bạn bất đắc dĩ phải lái xe và chạy trên một quãng đường khá xa thì việc có vài phút nghỉ ngơi sẽ giúp bạn tỉnh táo và lấy lại sức lực để tiếp tục hành trình. Nên nhớ đằng sau tay lái của bạn đang có một sinh linh bé bỏng đang đợi chờ ngày cất tiếng khóc chào đời.


Theo Long Du/LĐO

 


.