Cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo

07:03, 28/03/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, đã xảy ra nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân, phổ biến nhất là các hành vi lừa đảo qua các trang mạng xã hội.
[links()]
Nhiều thủ đoạn lừa đảo
 
Hiện nay, nhiều người sử dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram... Đây là điều kiện cho các đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Việc đăng ký và tạo lập các tài khoản một cách dễ dàng dẫn đến tình trạng rất nhiều tài khoản giả mạo, tài khoản ảo tồn tại tràn lan trên mạng xã hội. Bằng các chiêu trò như ứng dụng lừa đảo, đường link clip... các đối tượng dễ dàng đánh cắp thông tin và chiếm quyền sử dụng (hack) tài khoản của người khác. Thông qua những tài khoản giả mạo và tài khoản thật bị chiếm quyền sử dụng, các đối tượng dễ dàng lấy được lòng tin của nhiều người, sau đó hỏi vay mượn với mục đích chiếm đoạt, phổ biến nhất là hỏi vay tiền và nhờ nạp tiền điện thoại. 
Một trong những thủ đoạn là mạo danh nhân viên tư vấn tài chính để lừa đảo người dân kích hoạt gói vay thông qua ứng dụng để chiếm đoạt tiền.
Một trong những thủ đoạn là mạo danh nhân viên tư vấn tài chính để lừa đảo người dân kích hoạt gói vay thông qua ứng dụng để chiếm đoạt tiền.
Một trong những thủ đoạn là mạo danh nhân viên tư vấn của FE Credit gọi điện thoại hỏi thăm để tìm cách khai thác thông tin hoặc thông báo trúng thưởng, yêu cầu hoàn tất thủ tục nhận thưởng bằng cách nạp tiền vào số điện thoại chỉ định/chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng lừa đảo; giả mạo nhân viên để lừa người dân kích hoạt gói vay thông qua ứng dụng (app) chiếm đoạt tiền của FE Credit.
 
Một số đối tượng còn giả danh là cán bộ của các cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện đe doạ, thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Như trường hợp bà P.T.T, ở TP.Quảng Ngãi trình báo việc bị lừa với thủ đoạn trên với số tiền 5,8 tỷ đồng. Đây là một thủ đoạn nguy hiểm, không chỉ xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản mà còn gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của cán bộ, công chức và cơ quan nhà nước.
 
Một hình thức khác là lừa đảo thông qua sàn giao dịch tiền ảo. Khi đầu tư người dân phải sử dụng tiền thật để mua đồng tiền ảo, sau đó nạp tiền ảo này vào tài khoản của công ty sở hữu sàn giao dịch để mua tiền ảo nội bộ với các tên gọi khác nhau như “gem”, “xu”, “kim cương”, “thiên kim”... Sau khi số lượng tiền ảo nạp vào đủ lớn, đối tượng đứng sau các sàn giao dịch sẽ đánh sập sàn hoặc đưa giá trị tiền ảo nội bộ (gem, xu, kim cương...) tụt dốc và chiếm đoạt toàn bộ số tiền mà khách hàng đã bỏ ra để mua tiền ảo nội bộ.
 
Chiêu trò gần đây xuất hiện là các đối tượng dùng thủ đoạn nhắn tin nhận tiền của ngân hàng, trong nội dung các tin nhắn kèm đường dẫn đến các website giả mạo (có tên gần giống với các website chính thức của ngân hàng). Nhiều người cả tin muốn nhận quà đã nhanh chóng làm theo chỉ dẫn, truy cập vào đường dẫn trong nội dung tin nhắn. Lúc này, hệ thống sẽ tự động hiển thị website giả mạo, có giao diện, lô-gô tương tự của ngân hàng và yêu cầu điền các thông tin như số điện thoại, mật khẩu. Bằng phương thức, thủ đoạn này, nhiều người đã bị chiếm đoạt số tiền rất lớn trong tài khoản của mình.
 
Người dân cần cảnh giác
 
Từ đầu năm 2020 đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã vào cuộc, khởi tố nhiều đối tượng sử dụng công nghệ cao để lừa đảo với mức từ vài trăm triệu đồng đến nhiều tỷ đồng. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, loại phạm tội này có tính chất phức tạp hơn, vì các đối tượng sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, các phương tiện điện tử để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Trong đó, nhiều vụ việc đối tượng sử dụng thủ đoạn tinh vi, liên quan đến nhiều địa bàn ngoài tỉnh và ở nước ngoài.
 
Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh), Thiếu tá Lê Thành Long cho biết: Để tránh những chiêu trò lừa đảo qua mạng xã hội bằng công nghệ cao, người dân nên thường xuyên thay đổi mật khẩu, sử dụng bảo mật hai lớp (đăng nhập bằng mã xác nhận gửi về số điện thoại đăng ký tài khoản) cho tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng. 
 
Tuyệt đối không truy cập vào các trang mạng không chính thống; không cài đặt các phần mềm, ứng dụng không rõ nguồn gốc. Khi có người thân hay bạn bè nhờ nhận, chuyển hoặc vay tiền qua mạng xã hội không thực hiện ngay mà phải liên hệ trực tiếp kiểm tra (qua số điện thoại cá nhân hoặc gọi video call) hoặc kiểm tra "thử" bằng các câu hỏi chỉ hai người biết và chưa được trao đổi qua tin nhắn mạng xã hội.
 
Bài, ảnh: TR.ÂN
 
 
 

.