Nghiêm cấm xe "5 không" kinh doanh vận tải

09:09, 04/09/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Kể từ ngày 1.9.2019, Quảng Ngãi sẽ kiên quyết tạm giữ phương tiện và xử lý theo quy định đối với xe công nông, máy kéo, xe cơ giới ba, bốn bánh, xe kéo cộ hoạt động kinh doanh vận tải trái phép. Đây không phải là quy định "cấm" bất ngờ, mà trước đó thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Quảng Ngãi cũng đã có nhiều giải pháp thực hiện lộ trình hạn chế, tiến đến nghiêm cấm với các phương tiện này.

TIN LIÊN QUAN

Ngày 22.8.2019, Công an tỉnh đã ban hành Công văn 3391 về việc xử lý xe công nông, máy kéo, xe cơ giới ba bánh, xe thô sơ ba, bốn bánh, xe kéo cộ.

Theo đó, kể từ ngày 1.9.2019, nếu lực lượng chức năng phát hiện các loại xe kể trên hoạt động kinh doanh vận tải trái quy định, sẽ kiên quyết tạm giữ phương tiện và xử lý theo quy định của pháp luật. Mục tiêu góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông, kiềm chế và không để xảy ra tai nạn giao thông liên quan đến các phương tiện này trong thời gian tới.

 Xe máy kéo lưu thông trên đường Quang Trung sáng 2.9.2019.
Xe máy kéo lưu thông trên đường Quang Trung sáng 2.9.2019.

Theo thống kê của Công an tỉnh, hiện trên địa bàn tỉnh có 888 xe công nông, 1.069 xe máy kéo tự độ chế, xe cơ giới ba bánh, 512 xe thô sơ ba, bốn bánh hoạt động.

Hầu hết các loại xe này tự độ chế từ thiết bị, phụ tùng ô tô, xe máy cũ, nên không bảo đảm yếu tố về an toàn kỹ thuật. Loại xe "5 không" (không còi, không đèn, không đăng ký, không kiểm định và không bằng lái) này đã bị cấm tham gia giao thông trên phạm vi toàn quốc từ hơn 10 năm trước.

Tại Quảng Ngãi, nhiều năm qua, việc xử lý xe "5 không" luôn gặp khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do chủ xe, người điều khiển xe chủ yếu là nông dân, điều kiện kinh tế khó khăn, trong khi chiếc xe lại chính là "cần câu cơm’’, là "nguồn sống" của gia đình họ.

Vì thế, suốt 10 năm qua, Quảng Ngãi đã tập trung tuyên truyền, vận động, kể cả hỗ trợ các chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện không kinh doanh vận tải các loại xe này mà chuyển đổi sang làm nghề khác.

Tính đến cuối năm 2018, ngân sách tỉnh đã hỗ trợ cho 3.042 xe, với tổng kinh phí trên 16,6 tỷ đồng để chuyển đổi nghề nghiệp. Tuy nhiên, dù được hỗ trợ, nhưng hầu hết chủ phương tiện vẫn lén lút hoạt động, hoặc chuyển nhượng cho đối tượng khác hoạt động.

Để xử lý dứt điểm tình trạng này, ngày 11.5.2018, UBND tỉnh đã có Công văn số 2592 chỉ đạo về xử lý xe "5 không". Lực lượng Cảnh sát giao thông và Thanh tra GTVT mở nhiều đợt cao điểm tăng cường các biện pháp kiểm tra, xử lý, nhằm chấm dứt hoạt động của các loại phương tiện này.

Ngày 25.5.2019, UBND tỉnh ban hành Công văn số 2541 chỉ đạo tiếp tục thực hiện việc xử lý với biện pháp cứng rắn hơn. Cụ thể hóa chỉ đạo của UBND tỉnh, Công an tỉnh đã chính thức "chốt" thời gian áp dụng biện pháp "mạnh tay" với xe "5 không" kể từ ngày 1.9.2019.

Cụ thể, nếu phát hiện các loại xe này hoạt động kinh doanh vận tải trái quy định sẽ kiên quyết tạm giữ phương tiện và xử lý theo quy định của pháp luật.

Một số trường hợp được sử dụng

Trường hợp xe công nông, máy kéo, xe cơ giới ba, bốn bánh, xe kéo cộ, nếu không hoạt động kinh doanh vận tải trái pháp luật, vẫn được tạm thời sử dụng kèm theo điều kiện nhất định. Theo đó, đối với trường hợp sử dụng phương tiện này để vận chuyển nông sản sau thu hoạch, vận chuyển phân bón, vật tư, dụng cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp từ nhà đến đồng ruộng trên các tuyến đường nội đồng, đường thôn, xóm không vì mục đích kinh doanh vận tải, vẫn tạm thời cho phép. Tuy nhiên, kiên quyết nghiêm cấm các loại xe này hoạt động kinh doanh vận tải trên các tuyến đường xã, huyện, đường nội thị, đường tỉnh và quốc lộ.


Bài, ảnh: THANH  HUYỀN
 

.