Xử lý nghiêm lái xe vi phạm nồng độ cồn dịp Tết

10:02, 05/02/2019
.
(Baoquangngai.vn)- Dịp trước, trong và sau Tết luôn là thời điểm tình trạng uống rượu, bia tham gia giao thông tăng cao. Vi phạm nồng độ cồn là một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông đường bộ tăng cao trong dịp này. Để phòng ngừa tai nạn giao thông, thời gian qua, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT)  tỉnh đã tăng cường tuần tra, tập trung xử lý các trường hợp có dấu hiệu vi phạm.
Theo chân Tổ tuần tra kiểm soát của lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an TP.Quảng Ngãi chốt chặn xử lý vi phạm nồng độ cồn tại đường Phan Bội Châu (TP. Quảng Ngãi) trong một buổi tối của những ngày cuối năm, chúng tôi ghi nhận được, chỉ chưa đầy một giờ đồng hồ, Tổ tuần tra kiểm soát đã kiểm tra, phát hiện và xử lý không ít các trường hợp lái xe vi phạm lỗi về nồng độ cồn trong khí thở.  
 
Hầu hết người vi phạm đều viện lý do cuối năm gặp bạn bè, tiệc tùng nên “quá chén”. Thậm chí, còn có trường hợp tài xe không tự giác chấp hành hiệu lệnh và phối hợp với lực lượng CSGT để kiểm tra nồng độ cồn. Đơn cử như trường hợp, tài xe điều khiển xe ô tô 43C-14166, khi bị CSGT dừng xe kiểm tra, tài xế đã không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của lực lượng làm nhiệm vụ. Trước thái độ bất hợp tác của tài xế này, CSGT đã phải tiến hành tạm giữ phương tiện, đưa xe vi phạm về trụ sở CSGT TP.Quảng Ngãi.
 
Thiếu tá Lê Văn Mến – Đội phó Đội CSGT, Công an TP.Quảng Ngãi cho biết, việc đo nồng độ cồn cũng gặp khó khăn, bởi khi CSGT dừng xe, đối tượng bị kiểm tra nồng độ cồn khi được mời đến kiểm tra thì đối tượng thường bỏ xe đi và khóa cửa xe nên công tác xử lý các đối tượng này khó khăn trong tuần tra. 
 
Lực lượng chức năng của tỉnh thường xuyên mở các đợt tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn
Lực lượng chức năng của tỉnh thường xuyên mở các đợt tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn
“Đã uống rượu bia thì không lái xe” là khẩu hiệu tuyên truyền khá phổ biến và xuất hiện ở bất kỳ tuyến đường nào trên địa bàn tỉnh. Khẩu hiệu này cũng được nhiều người dân biết đến nhưng không phải ai cũng thực hiện nghiêm túc. 
 
Thực tế cho thấy, nhiều năm qua, dịp trong, sau Tết Nguyên đán và các lễ hội Xuân là thời điểm người dân thường sử dụng nhiều rượu, bia. Dù đã “hơi men” trong người thế những nhiều người vẫn bất chấp nguy hiểm, điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Khi đã uống rượu, bia vượt mức cho phép, người điều khiển phương tiện sẽ không kiểm soát được hành vi, dẫn đến phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng; hậu quả tai nạn giao thông sẽ rất nghiêm trọng.
 
Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong tổng số các vụ tai nạn giao thông đường bộ, nguyên nhân do lái xe sử dụng rượu, bia chiếm tỷ lệ hơn 40%.
Năm 2018, lực lượng kiểm soát giao thông tỉnh Quảng Ngãi đã thực hiện dừng kiểm tra nồng độ cồn 4.211 trường hợp thì phát hiện có đến 494 trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện. Trong đó, đã tiến hành lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 1,1 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe 381 trường hợp.

Trước hiểm họa này, các lực lượng chức năng của tỉnh nói chung và  Công an TP. Quảng Ngãi nói riêng đang tăng cường tối đa lực lượng, phương tiện kiểm soát, xử lý nồng độ cồn. Quá trình kiểm tra sẽ kiên quyết xử lý các trường hợp tài xế cố tình bất hợp tác.

“Thời gian đến, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Công an TP. Quảng Ngãi, chúng tôi sẽ lập kế hoạch, thường xuyên tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường TP để đảm bảo tuần tra kiểm soát khép kín trên địa bàn và thường xuyên đo nồng độ cồn đối với những phương tiện tham gia giao thông, kiên quyết xử lý nghiêm những người vi phạm để đảm bảo an toàn giao thông”- Thiếu tá Lê Văn Mến – Đội phó Đội CSGT, Công an TP.Quảng Ngãi cho hay. 
 
Kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn góp phần đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông
Kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn góp phần đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông
 
Tập quán sử dụng nhiều rượu bia trong dịp Tết, cộng với tâm lý “Tết mà” của nhiều người đã khiến không ít người tham gia giao thông trong tình trạng say xỉn rất nguy hiểm cho chính bản thân của họ và những người tham gia giao thông. 
 
Chính vì vậy, đi đôi với việc kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm hành vi vi phạm về nồng độ cồn thì các cấp chính quyền, các tổ chức, đoàn thể và quần chúng nhân dân cần phối hợp chặt chẽ nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về tác hại và hậu quả do bia, rượu gây ra trong quá trình tham gia giao thông; đồng thời không để người thân điều khiển các loại phương tiện tham gia giao thông sau khi đã uống rượu, bia. 
 
Cùng với đó, để đảm bảo an toàn tính mạng cho mình và cho người khác, mỗi người dân cần nâng cao ý thức tự giác chấp hành luật pháp khi tham gia giao thông, đặc biệt  khi "đã uống rượu - bia thì không lái xe", để mọi  người, mọi nhà có một cái Tết an toàn, vui tươi, lành mạnh.
 
 
Theo Nghị định 46 /2016/NĐ-CP của Chính phủ: 
 
Đối với người điều khiển môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện):
 
Phạt tiền từ 1- 2 triệu đồng đối với người điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50- 80mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25- 0,4mg/lít khí thở. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) từ 1- 3 tháng.
 
Phạt tiền từ 3- 4 triệu đồng đối với người điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/lít khí thở. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe còn bị tước quyền sử dụng GPLX từ 3- 5 tháng.
 
Đối với người điều khiển ôtô và các loại xe tương tự ôtô:
 
Phạt tiền từ 2- 3 triệu đồng đối với người điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25mg/lít khí thở. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe còn bị tước quyền sử dụng GPLX từ 1- 3 tháng.
 
Phạt tiền từ 7- 8 triệu đồng đối với người điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50- 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25- 0,4mg/lít khí thở. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe còn bị tước quyền sử dụng GPLX từ 3- 5 tháng. 
 
Phạt tiền từ 16- 18 triệu đồng đối với người điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/lít khí thở. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe còn bị tước quyền sử dụng GPLX từ 4- 6 tháng.
 
 
Bảo Khánh

.